Ukraine: Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen được kéo dài thêm 120 ngày

Ngũ cốc Nga - Ukraine
16:31 - 17/11/2022
Một đoàn kiểm tra lên tàu hàng Razoni treo cờ Sierra Leone, chở 26.000 tấn ngô từ Ukraine, ngày 3/8. Ảnh: AFP
Một đoàn kiểm tra lên tàu hàng Razoni treo cờ Sierra Leone, chở 26.000 tấn ngô từ Ukraine, ngày 3/8. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Quan chức Ukraine ngày 17/11 cho biết, thỏa thuận do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian nhằm cho phép Kiev xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen được gia hạn thêm khoảng 4 tháng. 

"Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sẽ được kéo dài trong 120 ngày", Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov thông báo trên Twitter, đồng thời nhận xét đây là “một bước quan trọng khác trong cuộc chiến toàn cầu chống lại cuộc khủng hoảng lương thực", theo CNN.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng xác nhận tất cả các bên đã đồng ý gia hạn thỏa thuận ngũ cốc.

"Tôi hoan nghênh thỏa thuận của tất cả các bên nhằm tiếp tục Sáng kiến ​​Ngũ cốc Biển Đen để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu ngũ cốc, thực phẩm và phân bón từ Ukraine một cách an toàn. Sáng kiến ​​này cho thấy tầm quan trọng của ngoại giao trong việc tìm kiếm các giải pháp đa phương", ông Guterres viết trên Twitter.

Ngũ cốc trên tàu Osprey S neo đậu ở biển Marmara, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images
Ngũ cốc trên tàu Osprey S neo đậu ở biển Marmara, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen - Thỏa thuận ngũ cốc đột phá giữa Nga và Ukraine đã đạt được tại Istanbul vào tháng 7 với sự trung gian của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận này nhằm mục đích mở lại hành lang xuất khẩu nông sản qua Biển Đen từ Nga và Ukraine, vốn đã bị dừng lại do xung đột giữa hai quốc gia này.

Thỏa thuận này được đánh giá là có vai trò quan trọng trong việc xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và giúp các quốc gia nghèo nhất thế giới tránh nạn đói.

Tuy nhiên, đến ngày 29/10, Nga tuyên bố đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc, sau khi cáo buộc Kiev đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen của nước này, gây nguy hiểm cho các tàu thuyền dân sự.

Động thái này của Moscow bị các nước phương Tây chỉ trích là Nga đang "vũ khí hóa lương thực và gây ra nạn đói toàn cầu". Trong khi đó Nga cho rằng họ không thể tiếp tục các hoạt động trên biển mà không chú ý đến các vấn đề an ninh.

Đến ngày 2/11, Nga tuyên bố sẽ nối lại thỏa thuận ngũ cốc, nhưng tuyên bố có quyền rút khỏi thỏa thuận này nếu Ukraine vi phạm các cam kết an ninh.

Sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, việc xuất khẩu ngũ cốc của cả 2 quốc gia đều đã gặp phải tắc nghẽn.

Trong bối cảnh nguồn cung lúa mì từ 2 quốc gia xuất khẩu chủ chốt không tới được thị trường quốc tế, hành lang ngũ cốc qua Biển Đen đã được thiết lập hồi tháng 7 qua trung gian là Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ chính là một cách đảm bảo cung cấp lương thực tới các quốc gia nghèo nhất, ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Tin liên quan

Đọc tiếp