Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba. Ảnh: Reuters |
Theo RT, trong cuộc phỏng vấn ngày 3/1 với CNN, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba tuyên bố rằng các nước phương Tây “có đủ nguồn lực” để đáp ứng các yêu cầu viện trợ khẩn cấp của Ukraine. Ông cho rằng các nỗ lực viện trợ của phương Tây cần phải được “tăng cường và xúc tiến”.
“Và tất nhiên, thời gian rất quan trọng. Chúng tôi không thể ngồi và chờ đợi những cuộc thảo luận bất tận về vấn đề này. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi các bên đẩy nhanh quyết định đang chờ xử lý”, ông Kuleba nhấn mạnh.
Khi được CNN hỏi liệu Ukraine có sự lựa chọn nào khác trong trường hợp viện trợ của Mỹ không đến kịp hay không, Ngoại trưởng Kuleba trả lời rằng Kiev chỉ có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh.
“Chúng tôi không có kế hoạch B. Chúng tôi tin tưởng vào kế hoạch A. Ukraine sẽ luôn chiến đấu bằng các nguồn lực được cung cấp. Những gì được trao cho Ukraine không phải là từ thiện. Đó là một khoản đầu tư để bảo vệ NATO và bảo vệ sự thịnh vượng của người dân Mỹ”, nhà ngoại giao hàng đầu Kiev khẳng định.
Ông Kuleba cũng lưu ý về các cuộc tranh luận tại Quốc hội Mỹ liên quan đến gói viện trợ quân sự tiếp theo, cũng như các vấn đề nội bộ tại khu vực biên giới nước Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hối thúc Quốc hội phê duyệt gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, một số nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố sẽ ngăn chặn điều này trừ khi đảng Dân chủ đồng ý với họ về chính sách thắt chặt biên giới Mỹ - Mexico.
Thượng nghị sĩ độc lập Kyrsten Sinema của bang Arizona cho biết các nhà lập pháp đang “tiến gần” đến một thỏa thuận kết hợp, trong đó có thể cấp hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho cả Ukraine và Israel, cũng như đáp ứng chính sách biên giới.
Đầu tuần này, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby thừa nhận rằng Washington đã cung cấp “gói hỗ trợ an ninh cuối cùng mà chúng tôi có kinh phí hỗ trợ” ngay trước năm 2024, đồng thời nói thêm rằng bất kỳ khoản viện trợ bổ sung nào cũng phải được Quốc hội phê duyệt.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2/2022, Mỹ đã cung cấp gần 45 tỷ USD viện trợ quân sự trực tiếp cho Kiev, cũng như các hình thức viện trợ gián tiếp, hỗ trợ tài chính và nhân đạo. Trong khi đó, Nga đã nhiều lần chỉ trích các chuyến hàng vũ khí của phương Tây, cho rằng điều này sẽ chỉ khiến cuộc chiến kéo dài và không có tác dụng ngăn chặn Moscow thực hiện các mục tiêu quân sự.