Ứng viên thua cuộc kêu gọi tổ chức lại bầu cử tổng thống Indonesia

Bầu cử Indonesia
11:29 - 24/03/2024
Ông Todung Mulya Lubis (trung tâm), luật sư thuộc nhóm pháp lý của ông Ganjar Pranowo. Ảnh: AP
Ông Todung Mulya Lubis (trung tâm), luật sư thuộc nhóm pháp lý của ông Ganjar Pranowo. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 23/3, đội ngũ pháp lý của ứng viên tổng thống Indonesia đã thua cuộc là ông Ganjar Pranowo đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Hiến pháp nhằm kêu gọi tổ chức bầu cử lại và loại bỏ kết quả chiến thắng của ông Prabowo Subianto.

Ngày 20/3, Ủy ban Bầu cử Indonesia chính thức công bố ông Subianto là người đắc cử khi giành được 58,6% số phiếu bầu, trong khi cựu Thống đốc Jakarta Anies Baswedan nhận được 24,9% số phiếu bầu và cựu Thống đốc Trung Java Ganjar Pranowo nhận được 16,5%.

Với tỷ lệ cử tri đi bầu khoảng 80%, ông Subianto đã giành chiến thắng ở tổng cộng 36/38 tỉnh và nhận được 96,2 triệu phiếu bầu so với con số 40,9 triệu của ông Baswedan - người đã giành chiến thắng ở 2 tỉnh còn lại. Ông Ganjar Pranowo, ứng cử viên của Đảng Đấu tranh Dân chủ Indonesia cầm quyền, chỉ nhận được 27 triệu phiếu bầu và không giành chiến thắng tại bất kỳ tỉnh nào.

Ngày 20/10 tới, tân Tổng thống Indonesia dự kiến sẽ nhậm chức và sau đó sẽ tiến hành bổ nhiệm Nội các trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử vấp phải sự phản đối từ phía ông Anies Baswedan và ông Ganjar Pranowo.

Trong một tuyên bố ngày 23/3, Reuters dẫn lời ông Todung Mulya Lubis, luật sư thuộc nhóm pháp lý của ông Ganjar, kêu gọi việc loại bỏ ông Prabowo cùng Phó tổng thống Gibran Rakabuming Raka, đồng thời kêu gọi tổ chức lại cuộc bầu cử, lý do được đưa ra là đã có các vi phạm quy định pháp lý và đạo đức.

Trả lời các phóng viên sau khi nộp đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp, ông Todung cho biết cuộc bầu cử đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chủ nghĩa gia đình trị dẫn đến "sự lạm dụng quyền lực có phối hợp".

Hồi năm 2023, tòa án đã đưa ra phán quyết cho phép ông Gibran Rakabuming Raka, con trai của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo, trở thành người đồng hành cùng tranh cử với ông Prabowo. Phán quyết này đã đưa ra một ngoại lệ do yêu cầu về độ tuổi tối thiểu đối với các ứng cử viên là 40 trong khi ông Raka chỉ mới 37 tuổi.

Ông Todung tuyên bố: “Chúng ta đang ở một thời điểm rất quyết định trong cuộc đời của chúng ta với tư cách là một quốc gia và nhà nước. Nền dân chủ rất quan trọng, pháp quyền rất quan trọng, hiến pháp rất quan trọng và chúng tôi không muốn nó bị chà đạp, chúng tôi không muốn nó bị vi phạm”.

Do đó, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi yêu cầu Tòa án Hiến pháp ra lệnh cho Ủy ban Bầu cử tiến hành một cuộc bỏ phiếu lại”. Ở một diễn biến khác, nhóm pháp lý của ông Ganjar cũng đưa ra các cáo buộc về việc “chính trị hóa viện trợ xã hội” cũng như các cáo buộc liên quan tới lạm dụng hệ thống công nghệ thông tin của Ủy ban Bầu cử.

Về phía một ứng cử viên thua cuộc khác là ông Anies Baswedan, nhóm pháp lý của ông ngày 21/3 cũng đã đệ đơn kiện kêu gọi tòa án ra lệnh tổ chức lại cuộc bầu cử và loại bỏ ông Raka với cáo buộc rằng việc đưa ông vào phút cuối đã làm ảnh hưởng đến cuộc bỏ phiếu một cách không công bằng.

Ngày 20/3 trước đó, ông Anies cho biết: “Chúng tôi không muốn để những sai lệch đối với nền dân chủ này trôi qua và tạo tiền lệ xấu cho các nhà tổ chức bầu cử trong tương lai”.

Phản ứng lại các động thái tới từ ông Anies và ông Ganjar , người phát ngôn của Tòa án Hiến pháp Fajar Laksono Suroso cho biết cả 2 khiếu nại sẽ được xét xử trước ngày 22/4 và phán quyết sẽ được đưa ra vào ngày 7/5. Phán quyết này không thể bị kháng cáo và sẽ được quyết định bởi 8 thẩm phán thay vì tòa án đầy đủ 9 thành viên.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.