Ảnh: Quách Sơn - Mekong ASEAN |
Trước thềm Hội nghị "UOB Gateway to ASEAN" sẽ diễn ra tại TP HCM vào ngày 6/9 tới đây, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu Ngân hàng UOB đã có những chia sẻ về triển vọng kinh tế của Việt Nam.
Ông Suan Teck Kin nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn tích cực, với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo là 6% và có tiềm năng vượt hơn con số này. "Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam là rất hứa hẹn cho cả năm 2024 và 2025, đặc biệt là khi so sánh với mức nền thấp vào năm 2023," ông Suan Teck Kin nhấn mạnh.
Đầu tư, tiêu dùng phục hồi
Sự lạc quan này, theo chuyên gia UOB, đến từ việc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn mạnh mẽ, với 2 năm liên tiếp đạt mức cao kỷ lục. Chỉ riêng trong 7 tháng đầu năm nay, số vốn FDI thực hiện của Việt Nam đã đạt 13 tỷ USD, với nguồn đầu tư mạnh mẽ từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Nhật Bản. Xu hướng tích cực này cho thấy sự tin tưởng liên tục của nhà đầu tư và doanh nghiệp vào khả năng cạnh tranh và tiềm năng của Việt Nam.
Đối với ngành bán lẻ, ông Suan Teck Kin nhận định, sau khi chịu ảnh hưởng trong thời kỳ Covid-19, đã phục hồi tốt trên nhiều phân khúc khác nhau. Bên cạnh đó, du lịch quốc tế của Việt Nam đang phục hồi tốt, với gần 10 triệu lượt khách đến tính đến tháng 7 năm 2024. Các nguồn khách chính bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hoa Kỳ.
Đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu
Bên cạnh đó, chuyên gia UOB cũng nhìn nhận, bất chấp một số thách thức toàn cầu như lãi suất cao và nhu cầu thương mại chậm lại ở các thị trường phát triển, Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) của Việt Nam nổi bật là một trong những nước cao nhất ở châu Á.
Hoạt động thương mại của Việt Nam năm 2024 đã có sự phục hồi đáng kể, đặc biệt là xuất khẩu và nhập khẩu. Xuất khẩu chủ yếu được thúc đẩy bởi thương mại với Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam có thặng dư thương mại 58 tỷ USD với Hoa Kỳ, tăng đáng kể so với mức 45 tỷ USD của cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, bất chấp triển vọng tích cực này, vẫn có những lo ngại về sự phụ thuộc lớn của Việt Nam vào Hoa Kỳ và Trung Quốc về thương mại, điều mà các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc trước những xu hướng toàn cầu đang liên tục tiến triển, ông Suan Teck Kin nêu quan điểm.
Để giảm thiểu những rủi ro này, chuyên gia UOB cho rằng, Việt Nam có thể đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng ra ngoài Hoa Kỳ sang các khu vực khác như Trung Đông, Ấn Độ và các nước châu Á lân cận.
Điểm mạnh của Việt Nam nằm ở khả năng cạnh tranh trong các ngành điện tử và điện, nhưng ông Suan Teck Kin cho rằng, có một rủi ro do quá phụ thuộc vào ngành này. Để giảm thiểu điều này, Việt Nam nên đa dạng hóa xuất khẩu bằng cách mở rộng các ngành truyền thống như dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, thủy sản và nông nghiệp.
Đáng chú ý, xuất khẩu nông sản như rau quả tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và sản phẩm gỗ tăng 23% so với cùng kỳ năm trước trong 7 tháng đầu năm nay. Chính phủ có thể hỗ trợ thêm cho các ngành này bằng cách đảm bảo đất đai sẵn có và đào tạo lao động phù hợp, giúp Việt Nam quản lý rủi ro và duy trì tăng trưởng đa dạng trên nhiều ngành khác nhau, chuyên gia UOB khuyến nghị.
| |
Với độ mở thương mại chiếm 162% GDP, Việt Nam trở thành quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhiều thứ ba trong ASEAN. Sự phụ thuộc này có nghĩa là Việt Nam được hưởng lợi đáng kể khi nhu cầu toàn cầu mạnh, nhưng sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn trong thời kỳ suy thoái toàn cầu. Để giảm thiểu rủi ro này, cần phải đa dạng hóa từ thị trường đến sản phẩm. | |
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB |