Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách. |
Sáng 15/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức Tọa đàm Đối thoại chính sách: "Phục hồi tăng trưởng - Triển vọng và thách thức".
Đại diện VEPR,ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng đã trình bày báo cáo của viện nêu tổng quan về bức tranh kinh tế Việt Nam trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2024. Theo đó, kết thúc quý 3/2024, kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt trong sự lạc quan về tăng trưởng chung của kinh tế thế giới cuối 2024 và năm 2025. Tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6,82%, tăng hơn 1,5 lần so với mức 4,4% cùng kỳ năm ngoái với sự đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Ở phía tổng cung, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng của cơn bão Yagi, mức tăng trưởng giảm so với cùng kì năm ngoái từ 3,43% xuống còn 3,2%. Dịch vụ tiếp tục tăng trưởng 6,32% so với cùng kỳ, nhờ sự hồi sinh của du lịch và các ngành thương mại, vận tải duy trì được đà tăng trưởng.
Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh lên mức 8,19% so với mức tăng 2,41% cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào sự phục hồi ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Ở phía tổng cầu, thương mại trên đà hồi phục và dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tích cực là động lực tăng trưởng chính. Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn hơn so với dự kiến, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, với xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD - mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn 2020 - 2024.
Bên cạnh đó, vốn FDI thực hiện đạt mức cao kỷ lục, ước đạt khoảng hơn 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với 9 tháng năm 2023. Du lịch phục hồi mạnh mẽ, tính chung trong 9 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 12,7 triệu lượt người, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.
"Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại trong nước đã liên tục giảm, với mức giá thấp hơn nhiều so với trần do ngân hàng Nhà nước quy định. Tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng phục hồi khá tốt, góp phần tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư," báo cáo của VEPR nhận định.
Nhận diện kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024
Mặc dù nhiều điểm sáng tích cực, VEPR lưu ý vẫn còn có những rủi ro và thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Theo đó, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất suy giảm và xuống dưới 50 điểm trong tháng 9. Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui so với doanh nghiệp gia nhập thị trường vẫn ở xu hướng cao. Tiêu dùng trong nước lẫn giải ngân đầu tư công chưa đạt được như kỳ vọng.
Nhìn xa hơn, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất yếu hơn so với kỳ vọng của Mỹ, sự giảm tốc mạnh trong tăng trưởng ở châu Âu và tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc có thể gây gián đoạn cho quá trình phục hồi xuất khẩu và làm suy yếu tốc độ tăng trưởng của Việt Nam.
"Việc cân bằng giữa các động lực tăng trưởng, nhất là giữa động lực xuất khẩu và tăng trưởng của thị trường trong nước, đảm bảo ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững lại được đặt ra một cách cấp thiết trong bối cảnh đó," chuyên gia VEPR lưu ý trong báo cáo.
Mặt khác, sự phân mảnh địa chính trị ngày càng rõ nét, cùng với việc các xung đột leo thang đang trở thành rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu. Những bất ổn này gây gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí vận chuyển, bảo hiểm, và kéo dài thời gian cung ứng, dẫn đến giá thành hàng hóa leo thang và lạm phát nhập khẩu gia tăng.
Ước tính đến cuối năm 2024, lạm phát nhập khẩu toàn cầu có thể tăng 1,5%. Đây là tín hiệu đáng lo ngại cho các quốc gia nhập khẩu như Việt Nam, khi lạm phát không chỉ gia tăng mà còn làm suy giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
Trong nước, các yếu tố đầu vào trong sản xuất gặp nhiều rào cản cũng như tình thế khó khăn trong chuyển dịch mô hình tăng trưởng, đổi mới môi trường kinh doanh và cải cách thể chế mặc dù đạt một số tiến bộ nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, báo cáo của VEPR chỉ ra.
Do vậy, trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, VEPR đưa ra hai kịch bản tăng trưởng năm 2024, cụ thể: Với kịch bản cao, tăng trưởng quý 4/2024 sẽ đi ngang với mức 7,4%, tăng trưởng cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu mới 7,0% mà Chính phủ đề ra cho năm 2024.
Với kịch bản thấp, tăng trưởng quý 4/2024 sẽ dưới mức 7,0%, dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động mức quanh mức 6,84%.