Nằm ở rìa vùng sa mạc hoang vu có tên Vùng Trống ở Yemen, thành phố Shibam đã tồn tại ước tính khoảng 1.700 năm, nổi tiếng với những toà nhà cao tầng được xây dựng từ thế kỷ thứ 16. Đây là thành phố lâu đời nhất trên thế giới có quy hoạch đô thị theo chiều thẳng đứng thuộc nền văn hóa bùn Yemen.
Thành phố Shibam của Yemen nổi tiếng với những công trình kiến trúc cao tầng được xây dựng bằng bùn đất từ thế kỷ 16. Nguồn: SCMP |
Những tòa cao ốc làm từ bùn đất
Trong một lần dừng chân giữa chuyến hành trình xuyên qua cao nguyên phía nam Ả rập vào năm 1930, nhà thám hiểm người Anh Freya Stark đã gọi thành phố Shibam là “Manhattan của sa mạc”, nhằm so sánh những công trình ở đây với những tòa cao ốc chọc trời ở thành phố Manhattan của nước Mỹ.
Thành phố Shibam được ví như “Manhattan của sa mạc”. Ảnh: Twitter @ionlands |
Mọi đặc điểm thiết kế của Shibam đều mang tính chiến lược. Thành phố này được xây dựng theo quy hoạch hình chữ nhật, nằm ở khu vực có vị trí khá cao nên tránh được những cơn lũ, nhưng vẫn đảm bảo nguồn nước tiêu dùng. Đồng thời, thành phố này cũng có những bức tường kiên cố bao quanh nhằm bảo vệ người dân trước các bộ tộc thù địch, hay trong các cuộc tranh chấp quyền lực thời kỳ nội chiến.
Shibam hiện có khoảng 500 tòa nhà bằng bùn đất, cao từ 5 - 11 tầng. Ảnh: BBC |
Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, hiện Shibam có khoảng 500 nhà cao từ 5 đến 11 tầng, mỗi tầng gồm 1, 2 căn hộ. Các tòa nhà tại đây được xây hoàn toàn bằng gạch bùn. Hỗn hợp để tạo ra gạch gồm đất, cỏ khô và nước được người dân hòa trộn và đúc thành hình, sau đó được phơi nắng trong nhiều ngày. Với vật liệu xây dựng tự nhiên, những ngôi nhà cao tầng tại Shibam có độ bền cao và hoàn toàn phù hợp với khí hậu khô nóng trên bán đảo Ả Rập.
Quá trình làm ra những viên gạch bùn đất của người Yemen: nhào trộn đất và cỏ khô, tạo hình, nung nóng, phơi nắng. Ảnh: Getty Images |
Từ những viên gạch đất được xếp so le, những công trình cao tầng đã được ra đời. Ảnh: City Metric |
Điều kinh ngạc là người Yemen xây dựng những tòa nhà cao tầng mà không dùng giàn giáo. Thay vào đó, các thợ xây bậc thầy sẽ bắt đầu với việc làm nền móng bằng đá, sâu khoảng 2 mét, trên đó gạch bùn được xếp so le (xếp chồng hai viên gạch lên một viên). Sau đó, họ từ từ xây lên, đặt dầm đỡ sàn bằng gỗ cho chắc, lát sàn bằng gỗ và thân cọ khi xây lên cao. Giàn giáo thường chỉ được sử dụng sau đó, khi nhà đã hoàn thành và cần trát lại hay tu sửa.
Dưới cái nóng của sa mạc, bóng từ các tòa nhà cao tầng của Shinbam tạo ra bóng râm cho người dân. Ảnh: The Guardian |
Ở đây, mỗi tòa nhà thuộc quyền sở hữu của một gia đình. Tất cả mọi người trong gia đình tập trung sinh hoạt chủ yếu từ tầng thứ ba trở lên của tòa nhà; tầng trệt thường không có cửa sổ dùng làm kho tích trữ lương thực và chuồng gia súc. Những hành lang và cửa ra vào nối liền các tòa nhà cũng là những lối thoát hiểm nhanh chóng - một trong những đặc điểm phòng thủ ấn tượng của thành phố này.
Bảo vệ di sản trước nguy cơ biến mất
Shibam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới của UNESCO năm 1982. Tuy nhiên, các công trình xây dựng trên sa mạc này luôn chịu sự đe dọa bị xói mòn bởi gió, mưa và nhiệt độ. Bên cạnh đó, nghệ thuật xây dựng tòa nhà bằng bùn đất cũng có nguy cơ bị thất truyền khi thế hệ trẻ không còn nhiều người học hỏi và duy trì.
Một bức tường bị xói mòn bởi mưa, gió và nhiệt độ ở Shibam. Các công trình này cần phải bảo dưỡng thường xuyên bằng cách đắp các lớp bùn mới. Ảnh: The Guardian |
Ngoài ra, các công trình này cũng đang chịu những mối đe dọa từ chính con người. Năm 2015, Shibam cùng 2 địa điểm khác được đưa vào danh sách “Di sản thế giới đang bị đe dọa” khi cuộc nội chiến nổ ra tại Yemen, đẩy đất nước này vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài đến nay. Nhiều tòa nhà lịch sử này đã bị thiệt hại nghiêm trọng do các trận ném bom và hiện vẫn có nguy cơ bị phá hủy do xung đột vũ trang.
Các cuộc xung đột vũ trang khiến các nhiều công trình hàng thế kỷ tại Shibam bị phá hủy. Ảnh: AP |
Cựu Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova từng nhận định: “Ngoài việc gây ra những hậu quả khủng khiếp cho con người, các cuộc tấn công này đang phá hủy di sản văn hóa độc đáo của Yemen. Đây là nơi lưu giữ bản sắc, lịch sử và ký ức của con người, đồng thời là một minh chứng đặc biệt cho những thành tựu của nền văn minh Hồi giáo”.
Vào năm 2020, UNESCO đã tiến hành khảo sát hiện trạng khoảng 8.000 tòa nhà và khôi phục 78 công trình kiến trúc bằng bùn đang trên bờ vực sụp đổ tại Yemen.
"Thật đáng tiếc khi phải chứng kiến các công trình lịch sử biến thành đống đổ nát. Đây là một sự mất mát lớn đối với toàn thể nhân loại", bà Arwa Mokdad, nhà vận động vì hòa bình của Tổ chức Cứu trợ và Tái thiết Yemen, chia sẻ.
"Tôi luôn tự hào khi được sống trong ngôi nhà được nhiều thế hệ gìn giữ. Nó là sợi dây kết nối giữa thế hệ chúng tôi với quá khứ", bà Arwa nói thêm.