Việt Nam có 246 mã số vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc cấp chính ngạch

Sầu riêng Việt nAM
20:52 - 01/03/2023
Tăng số lượng mã số vùng trồng được Trung Quốc cấp phép.
Tăng số lượng mã số vùng trồng được Trung Quốc cấp phép.
0:00 / 0:00
0:00
Các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng và Tiền Giang được cấp nhiều mã vùng trồng sầu riêng chính ngạch nhất, nâng tổng số mã số được phía Trung Quốc công nhận cho Việt Nam lên 246 mã.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chỉ tính riêng trong tháng 2/2023, Việt Nam đã có 163 mã số vùng trồng sầu riêng và 67 mã số cơ sở đóng gói vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Trong đó, 3 tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng và Tiền Giang được cấp nhiều mã vùng trồng nhất. Tiền Giang là tỉnh được cấp nhiều mã số cơ sở đóng gói nhất, với tổng cộng 27 mã. Như vậy, tính đến hết tháng 2/2023, Việt Nam có 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc.

Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật phổ biến và phân cấp đầy đủ việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đến các cơ quan ở địa phương, đặc biệt là các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hay các Sở NN&PTNT tại địa phương để thực hiện việc này.

Về phía các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, để được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cần phải đáp ứng đầy đủ các quy định của Cục Bảo vệ thực vật đó là kiểm soát tốt dịch hại trên đồng ruộng, cũng như trong quá trình thu hái, bảo quản sản phẩm… Việc này đã được Cục Bảo vệ thực vật tập huấn, hướng dẫn đến các doanh nghiệp.

Toàn bộ quy trình cấp mã số, giám sát mã số, tuân thủ các quy định của hoạt động xuất nhập khẩu đều do cơ quan chức năng địa phương hướng dẫn, quản lý, giám sát và cấp mã số. Các mã số này khi đáp ứng được điều kiện nhập khẩu, Sở NN&PTNT sẽ gửi cho Cục Bảo vệ thực vật. Cục sẽ thẩm duyệt lại và gửi cho phía Hải quan Trung Quốc để phê duyệt.

Trước đó, ngày 7/9/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc lần đầu tiên phê duyệt 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường nước này.

Hải quan Trung Quốc đã cử 25 cán bộ kiểm tra trực tuyến 29 cơ sở đóng gói và hơn 100 mã số vùng trồng sầu riêng, cơ sở đóng gói của Việt Nam để cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Cục Bảo vệ thực vật cũng bố trí 22 cán bộ phối hợp với địa phương để hỗ trợ ngôn ngữ cho các cơ sở đóng gói và vùng trồng sầu riêng trong quá trình kiểm tra.

Là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, Trung Quốc mỗi năm chi khoảng trên dưới 4 tỷ USD để nhập khẩu trái sầu riêng. Năm 2022, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid nhưng thị trường hơn 1,4 tỷ dân này vẫn nhập khoảng 800.000 tấn sầu riêng.

Sầu riêng Thái Lan "phủ sóng" tại Trung Quốc nhiều năm nay. Nhờ đó, nông dân xứ chùa Vàng thu về vài tỷ USD mỗi năm.Từ tháng 7/2022, Trung Quốc chính thức “cấp visa” cho trái sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Ngoài ra, từ 4/1/2023, Trung Quốc cũng cho phép sầu riêng Philippines xuất sang nước này.

Tin liên quan

Đọc tiếp