Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Tổng Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp (AFD) Marie-Hélène Loison. Ảnh: VGP |
Tăng cường hợp tác giữa AFD và Việt Nam trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng
Tại cuộc làm việc với Phó Tổng Giám đốc AFD Marie-Hélène Loison ngày 21/6 (theo giờ Paris), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới của Tổng thống Macron, nhằm tìm kiếm các nguồn tài chính công - tư mới, góp phần thúc đẩy tài chính cho phát triển và triển khai các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của AFD thông qua việc triển khai hiệu quả các dự án viện trợ phát triển tại Việt Nam kể từ năm 1994 đến nay, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, chống biến đổi khí hậu và giao thông đô thị…
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị AFD tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các dự án giảm phát thải nhà kính, chống biến đổi khí hậu, đặc biệt tại các vùng ven biển và Đồng bằng sông Cửu Long…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị AFD tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các dự án giảm phát thải nhà kính, chống biến đổi khí hậu. Ảnh: VGP |
Phó Tổng Giám đốc AFD Marie Helene Loison chia sẻ về những định hướng và chiến lược của AFD tại Việt Nam trong thời gian tới; khẳng định tiếp tục triển khai chương trình nghiên cứu kinh tế - xã hội về biến đổi khí hậu tại Việt Nam (GEMMES).
Đồng thời, nhất trí hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực xây dựng chính sách, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tài chính trong các lĩnh vực phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, chuyển tải điện thông minh, sản xuất nhiên liệu xanh...
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa giữa AFD và Việt Nam trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 và triển khai Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các dự án kinh tế phục vụ cho phát triển bền vững tại Việt Nam.
Đường bay thẳng Việt Nam - Pháp có ý nghĩa chiến lược
Cũng trong chuyến công tác, tối 21/6 , Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự lễ kỷ niệm 20 năm mở tuyến bay thẳng Việt Nam - Pháp của Vietnam Airlines và chứng kiến các thoả thuận hợp tác phát triển du lịch giữa hai nước.
Đường bay thẳng Việt Nam - Pháp được Vietnam Airlines khai thác lần đầu tiên vào năm 2003 bằng máy bay thân rộng Boeing 777. Sau hai thập kỷ, tổng hành khách vận chuyển qua đường bay thẳng này đạt gần 3,8 triệu lượt, tổng hàng hóa vận chuyển đạt hơn 174.500 tấn. Mức tăng trưởng hành khách, hàng hóa trung bình hằng năm giai đoạn trước đại dịch Covid-19 lần lượt là 5%/năm và 10%/năm.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự lễ kỷ niệm 20 năm mở tuyến bay thẳng Việt Nam - Pháp. Ảnh: VGP |
Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, đường bay Việt Nam - Pháp đã đón nhận những tín hiệu khởi sắc tích cực. Trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng hành khách vận chuyển của Vietnam Airlines đạt 108.700 lượt khách, hàng hóa vận chuyển đạt 5.500 tấn, phục hồi gần bằng cùng kỳ năm 2019.
Vietnam Airlines xác định đường bay thẳng Việt Nam - Pháp là một trong những đường bay có ý nghĩa chiến lược, là cầu nối hàng không giữa Việt Nam, Pháp và châu Âu. Hãng sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mạng đường bay, tần suất bay đến Pháp và châu Âu, đồng thời, hợp tác với các đối tác, bạn hàng tại Pháp và quốc tế để phát triển sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ.
Trước đó, Bộ Ngoại giao đã có thông cáo về việc Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới và làm việc tại Pháp; đồng chủ trì cuộc họp lần thứ 8 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước và làm việc tại Hà Lan từ ngày 21-27/6.
Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới là sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2022 với mục tiêu thúc đẩy cải cách hệ thống tài chính quốc tế, xử lý khủng hoảng về khí hậu, đa dạng sinh học và phát triển thông qua việc tăng cường tài chính, hỗ trợ vốn ưu đãi cho các nước đang phát triển phương Nam.
Dự kiến, Hội nghị năm nay có sự tham gia của khoảng 300 đoàn đại biểu đại diện cho các quốc gia, tổ chức chính trị xã hội và doanh nghiệp, trong đó có khoảng 100 lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế.