Theo số liệu công bố ngày 20/11 của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa nửa đầu tháng 11/2023 (1/11-15/11) của Việt Nam đạt 29,42 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 14,65 tỷ USD, tăng 6,4%; nhập khẩu đạt 14,77 tỷ USD, giảm 1,5%.
Với kết quả trên, sau 11 kỳ liên tiếp xuất siêu, Việt Nam lần đầu ghi nhận nhập siêu với 0,12 tỷ USD.
Lũy kế từ đầu năm 2023 đến ngày 15/11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 587,6 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 306 tỷ USD, giảm 6,4%; nhập khẩu đạt 281,6 tỷ USD, giảm 11,6%. Việt Nam xuất siêu 24,4 tỷ USD hàng hóa.
Về xuất khẩu, nửa đầu tháng 11/2023, trong 4 mặt hàng xuất khẩu có giá trị tỷ USD của Việt Nam, dệt may và điện thoại, linh kiện là hai mặt hàng ghi nhận tăng trưởng âm về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,42 tỷ USD, tăng tới 44%; máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng khác đạt 1,83 tỷ USD, tăng 2,3%. Ngược lại, điện thoại và linh kiện giảm tới 11,6%, còn 2,1 tỷ USD; hàng dệt may cũng giảm 9,2%, còn 1,29 tỷ USD.
Trong nhóm nông sản, cà phê là mặt hàng duy nhất có trị giá xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm trước với -18,3%, còn 116 triệu USD. Trong khi đó, gạo là mặt hàng có mức tăng cao nhất với +66%, lên 219 triệu USD; kế đến là hạt tiêu với +30%, hạt điều +21%, sắn và các sản phẩm sắn với +19%, rau quả +12% và thủy sản với +3,6%.
Trong nhóm này, hàng thủy sản là mặt hàng có kim ngạch cao nhất với 383 triệu USD. Đứng sau lần lượt là gạo với 219 triệu USD; hàng rau quả với 187 triệu USD; hạt điều với 165 triệu USD; cà phê với 116 triệu USD…
Nửa đầu tháng 11/2023, có 30 trên tổng 45 mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương về trị giá. Thủy tinh và các sản phẩm thủy tinh là mặt hàng có mức tăng cao nhất với +183%; tiếp đến là than với +114%; sắt thép +76%...
Ngược lại, 15 mặt hàng lại giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Phân bón có kim ngạch giảm cao nhất với -59%, tiếp đến là quặng và khoáng sản khác với -34%, xăng dầu -32%...
Về nhập khẩu, kỳ 1 tháng 11/2023, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện và máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng khác tiếp tục là hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên với lần lượt 4,28 tỷ USD và 1,84 tỷ USD. Trong khi máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng giảm 6,6% thì máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lại tăng 47%.
Trong nhóm nông sản, Việt Nam nhập khẩu ngô đạt 124 triệu USD, là mặt hàng nông sản có trị giá cao nhất. Đứng sau là thủy sản với 112 triệu USD, rau quả với 76 triệu USD, sữa và sản phẩm sữa với 60 triệu USD…
Trong nửa đầu tháng 11/2023, Việt Nam nhập 257.548 tấn xăng dầu, đạt 219 triệu USD, giảm lần lượt 38% và 45% so với cùng kỳ năm trước; nhập 598.480 tấn dầu thô, đạt 410 triệu USD, giảm 28% về lượng và giảm 31% về trị giá.
Việt Nam còn nhập khẩu 54.202 tấn bông với trị giá 107 triệu USD, giảm lần lượt 31% và 53%; 49,553 tấn xơ, sợi dệt các loại với 97,4 triệu USD, tăng lần lượt 28% và 12,9%; vải nhập khẩu với 599,8 triệu USD, tăng 2,1%.
Trong 53 mặt hàng nhập khẩu chính, có 28 mặt hàng ghi nhận trị giá nhập khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu tháng 11/2023. Ô tô nguyên chiếc là mặt hàng có mức giảm cao nhất với 70%, đứng sau là đậu tương với -68%, phương tiện vận tải và phụ tùng với -62%...
Ngược lại, có 25 mặt hàng tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Lúa mì có mức tăng kim ngạch lớn nhất với 86%, tiếp đến là khí đốt hóa lỏng với 77%, quặng và khoáng sản khác với 48%...