Theo Cục Chăn nuôi, tính chung 11 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 2,58 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 891 triệu USD, giảm 10,8%; nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 1,02 tỷ USD, giảm 3,6%.
So với 11 tháng đầu năm 2022, lượng nhập khẩu thịt lợn và đặc biệt phụ phẩm từ lợn tăng 85,2%; phụ phẩm từ trâu tăng 56,18%; phụ phẩm từ bò tăng từ 25,8%. Theo Cục Chăn nuôi, gần 2 năm trở lại đây, Việt Nam đang giảm mạnh nhập khẩu trâu bò sống dùng để giết mổ (năm 2022 chỉ nhập bằng 49,5% so với năm 2021 và 11 tháng đầu năm 2023 chỉ nhập bằng 43,7% so với cùng kỳ 2022).
Đối với nhập khẩu con giống, Việt Nam nhập 3.746 lợn cái giống và 1.611 lợn đực giống trong 11 tháng đầu năm 2023; nhập khẩu trên 2,68 triệu con gà giống lông trắng và gà giống lông màu cấp bố mẹ. Lượng gà hướng trứng giống nhập khẩu về Việt Nam là 429.500 con. Việt Nam nhập 24.340 con bò giống (bò thịt là 22.399 con và bò sữa là 1.941 con.
Đối với thức ăn chăn nuôi, ước tính cả năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 16,8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tương đương 6,8 tỷ USD (chưa bao gồm nguyên liệu nguồn gốc từ động vật).
Một số nguyên liệu nhập khẩu chính bao gồm ngô hạt đạt 7 triệu tấn (tương đương 2,1 tỷ USD), khô dầu các loại đạt 4,9 triệu tấn (tương đương 2,4 tỷ USD), lúa mì và lúa mạch đạt 1,4 triệu tấn (tương đương 453 triệu USD), DDGS (bã rượu khô) 1,15 triệu tấn (tương đương 394 triệu USD)…
Về xuất khẩu, 11 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam ước đạt 402 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 113 triệu USD, tăng 26%; xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 123 triệu USD, tăng 36,4%
Thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 18 thị trường trên thế giới, chủ yếu là Hong Kong, Bỉ, Trung Quốc, Campuchia, Mỹ....