Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), 9 tháng đầu năm 2024, tổng thương mại của Việt Nam với thế giới đạt 578,4 tỷ USD, trong đó 6 thị trường lớn nhất (gồm Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản) chiếm tới 78,6%, tương ứng đạt 455,1 tỷ USD.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam chi 219,5 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ 6 thị trường lớn nhất. Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường này đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước (YoY), lên mức 33,8 tỷ USD. Hàng hóa nhập khẩu từ EU cũng tăng 9,8% về giá trị, đạt 12,2 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 8,2%, đạt 41,5 tỷ USD. Việt Nam chi 16,1 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ cũng lên mức +6,2% YoY, đạt 10,9 tỷ USD.
Đáng chú ý, Việt Nam chi tới 105 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc - thị trường nhập khẩu lớn nhất trong 9 tháng đầu năm 2024.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu từ quốc gia tỷ dân này tăng tới 32,5%, kéo tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm từ Trung Quốc đạt mức cao nhất 10 năm và lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD. Cả năm 2023, Việt Nam chi 110,6 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.
Về xuất khẩu, 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang 6 thị trường lớn nhất đạt 235,6 tỷ USD. Trong đó, Mỹ tiếp tục dẫn đầu với 89,4 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước và là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm này.
Trung Quốc là thị trường đứng thứ hai với 43,6 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ; tiếp đến là EU với 38,1 tỷ USD, tăng tới 17% YoY.
ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam với 27,6 tỷ USD hàng hóa trong 9 tháng đầu năm 2024, ghi nhận tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Hai thị trường còn lại trong nhóm là Hàn Quốc và Nhật Bản đạt lần lượt 18,9 tỷ USD và 18 tỷ USD, tăng lần lượt 7% và 4,7% so với cùng kỳ năm trước.