Theo báo cáo kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê (GSO) công bố ngày 29/4, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và thế giới đạt 238,88 tỷ USD, trong đó trao đổi hàng hóa với 6 thị trường lớn nhất đạt tới 187,9 tỷ USD, tương ứng 78% tổng kim ngạch.
Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí số một với 59,6 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2024, đứng sau là Mỹ với 38,6 tỷ USD. ASEAN là thị trường có thương mại hàng hóa với Việt Nam lớn thứ 3 với 27,6 tỷ USD. Hàn Quốc đứng vị trí thứ 4 với 25,5 tỷ USD, EU đứng sau với 21,4 tỷ USD và Nhật Bản với 15,2 tỷ USD.
Về cán cân thương mại, trong bốn tháng đầu năm 2024, xuất siêu hàng hóa sang Mỹ ước đạt 29,6 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước (YoY); xuất siêu sang EU ước đạt 11,4 tỷ USD, tăng 16,7% YoY; xuất siêu sang Nhật Bản 209 triệu USD, giảm 41,8% YoY.
Việt Nam nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc với 23,6 tỷ USD, tăng 41,4% YoY; nhập siêu từ Hàn Quốc 8,7 tỷ USD, tăng 2,3% YoY. Kim ngạch nhập siêu hàng hóa từ ASEAN cũng ghi nhận tăng tới 47,1% YoY, lên mức 3,6 tỷ USD.
Về xuất khẩu, xuất khẩu sang 6 thị trường lớn nhất đạt 96,6 tỷ USD, tương ứng chiếm 78% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thế giới trong 4 tháng đầu năm 2024. Nhìn chung các thị trường xuất khẩu lớn nhất đều ghi nhận tăng trưởng tốt về kim ngạch.
Cụ thể, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 34,1 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là thị trường trong Top 6 có mức tăng lớn nhất về giá trị.
Trung Quốc đứng vị trí thứ 2 với 18 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Eu với 16,4 tỷ USD, tăng 15% YoY.
Hàn Quốc và Nhật Bản đứng lần lượt ở vị trí thứ 5 và 6, đạt 8,4 tỷ USD và 7,7 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc ghi nhận tăng 10,2%, sang Nhật Bản tăng 4,6%.
ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024 với giá trị 12 tỷ USD, tương ứng tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về nhập khẩu, 6 thị trường lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm chiếm tới 79,3% tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa, tương ứng đạt 91,3 tỷ USD.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với 41,6 tỷ USD, tăng tới 28,4% so với cùng kỳ năm trước.
Hàn Quốc đứng vị trí thứ 2 với 17,1 tỷ USD; ASEAN giữ vị trí thứ 3; tiếp đến là Nhật Bản với 7,5 tỷ USD, EU với 5 tỷ USD và Mỹ với 4,5 tỷ USD.
Trong số 6 thị trường lớn nhất, ngoài Trung Quốc, hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN và EU cũng ghi nhận tăng trưởng hai con số về kim ngạch với lần lượt +16,9% YoY và +11,4% YoY.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc lại tăng nhẹ hơn với +6,1% YoY; Nhật Bản tăng 6,9% YoY và Mỹ tăng 4,6% YoY.