Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tháng 8/2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 64,34 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Ước tính Việt Nam xuất siêu 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,44 tỷ USD: khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,4 tỷ USD.
Về thị trường, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ước đạt 77,7 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, ước đạt 82,1 tỷ USD.
Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 21,6 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 47,8 tỷ USD, tăng 21,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 27,4 tỷ USD, tăng 30,3%; nhập siêu từ ASEAN 9 tỷ USD, giảm 3,3%; nhập siêu từ Nhật Bản 320 triệu USD, giảm 74,7%.
Trong tháng 8/2022, xuất khẩu hàng hóa đạt 33,38 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 27,3 tỷ USD). Cụ thể, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,04 tỷ USD, tăng 26,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 24,34 tỷ USD, tăng 20,6%.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 66,14 tỷ USD, tăng 18,4% và chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 184,66 tỷ USD, tăng 17% và chiếm 73,6%.
Trong 8 tháng đầu năm, 30 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và sản phẩm điện tử; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tiếp tục là 3 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, lần lượt đạt 39,6 tỷ USD: 36,1 tỷ USD và 29,7 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính nhìn chung đều tăng trưởng tốt, ngoại trừ mặt hàng rau quả giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đà giảm này xuất phát chủ yếu từ thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc giảm nhập khẩu do chính sách “Zero Covid” khiến việc giao thương gặp khó khăn.
Tiếp đến, mặt hàng sắt thép cũng giảm 13,2%; hạt điều giảm 11,7%; xơ, sợi dệt giảm 5,6%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ giảm nhẹ 1,8%.
Trong nhóm hàng nông sản, các mặt hàng thủy sản, cà phê, gạo đều tăng trưởng lạc quan, lần lượt tăng 35,5%; 39,6% và 8,5%. Riêng với mặt hàng thủy sản, theo bà Lê Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang phải chịu tác động lớn từ vấn đề lạm phát của các nước châu Âu, Mỹ… cũng như ảnh hưởng của đồng USD.
Điều này được dự báo cho việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nửa cuối năm không thể tăng trưởng cao nửa đầu năm. Dù vậy, bà Hằng cũng cho rằng xuất khẩu thủy sản năm nay vẫn có thể đạt 10 tỷ USD.
Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, 8 tháng đầu năm nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 3,57 tỷ USD, tăng 54,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 223,12 tỷ USD, không thay đổi so với năm trước. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 16,58 tỷ USD, tăng 6%; nhóm hàng thủy sản đạt 7,53 tỷ USD, tăng 35,5%.
Nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2022 của Việt Nam đạt 30,96 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,96 tỷ USD, tăng 10,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21 tỷ USD, tăng 13,4%.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 246,84 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 85,58 tỷ USD, tăng 12,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 161,26 tỷ USD, tăng 14,2%.
Có 38 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch 1 tỷ USD, chiếm 90,8% tổng kim ngạch nhập khẩu. Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm 2022, điện tử, máy tính và linh kiện là mặt hàng duy nhất đạt kim ngạch trên 56 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 21%. Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng là mặt hàng nhập khẩu lớn thứ 2, đạt 30,5 tỷ USD; tiếp đến là điện thoại và linh kiện đạt 13,8 tỷ USD; vải đạt 10,2 tỷ USD.
Trong các mặt hàng nhập khẩu chính, một số mặt hàng nguyên liệu có sự tăng trưởng âm như quặng và khoáng sản giảm 26,3%; phế liệu sắt thép giảm 21%. Tại nhóm hàng nông sản, nhìn chung các mặt hàng đều tăng trưởng tốt, ngoại trừ hạt điều giảm 36,8%.
Trong cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 231,99 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2021; cụ thể nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,3%, giảm 1,2 điểm phần trăm, nhóm hàng nguyên vật liệu chiếm 49,7%, tăng 1,3% điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6%, tăng 11,2%.