Trong Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030, Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm khoa học – công nghệ Việt Nam nhiệm vụ xây dựng và triển khai "Đề án Tăng cường năng lực Quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao, siêu cao bằng công nghệ cảm biến quang học, radar, kết hợp với thiết bị bay không người lái", để từng bước thực hiện các mục tiêu.
Phát biểu tại Hội thảo "Đề xuất kế hoạch và lộ trình tăng cường năng lực quốc gia về quan sát trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ" hôm 30/6, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) Phạm Anh Tuấn cho biết, trong hơn 6 tháng qua, VNSC đã phối hợp với nhóm tư vấn của Nhật Bản, các bộ, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp để khảo sát về nhu cầu dữ liệu ảnh vệ tinh, năng lực khai thác dữ liệu vệ tinh, cũng như khả năng – nhu cầu tham gia vào quá trình phát triển vệ tinh tại Việt Nam.
Các chuyên gia vũ trụ của Nhật Bản đánh giá, với việc tận dụng các thành quả phát triển khoa học – công nghệ vũ trụ, Việt Nam đã đặt nền tảng cho chiến lược vũ trụ mới nhất để góp phần phục vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, bảo đảm lợi ích quốc gia, cũng chính là phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, tại hội thảo, các chuyên gia cũng gợi ý về mục tiêu, giải pháp, kế hoạch tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ. Từ những ý kiến đó, VNSC tham khảo hoàn thiện Đề án trên để báo cáo lên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo tiền khả thi của đề án.
Bên cạnh đó, trước xu hướng chùm vệ tinh đang diễn ra trên toàn cầu, việc phát triển vệ tinh và tận dụng dữ liệu vệ tinh theo chùm nên được thúc đẩy. Các lợi thế tiềm năng của chùm vệ tinh có thể kể đến như chi phí phát triển và phóng vệ tinh thấp hơn, dịch vụ cung cấp bởi chùm vệ tinh được diễn ra liên tục…
Về công nghệ, có thể tối đa hóa việc sử dụng dữ liệu quang/SAR, AIS/VDES, định vị/dẫn đường và từ các chùm vệ tinh khác, kết hợp với các cảm biến IoT trên mặt đất hay UAV/Drone phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Cũng theo các chuyên gia Nhật Bản, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để mở rộng các ứng dụng từ các công nghệ vệ tinh mới ra khu vực ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, sự kết hợp tốt nhất giữa các cơ sở hạ tầng dưới mặt đất cũng như các vệ tinh của Việt Nam với công nghệ và dịch vụ từ các nước phát triển khác là điều vô cùng quan trọng.
TS Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc VNSC, cho biết, thực tế các dữ liệu từ vệ tinh góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế chung, đặc biệt với ngành nông – lâm – thủy sản như theo dõi nguồn lợi thủy sản, giám sát rừng, môi trường. Đối với các doanh nghiệp có thể dựa trên dữ liệu để phát triển các ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau (ví dụ Google Map...).
Vì vậy, thông qua hệ thống vệ tinh nhỏ, Việt Nam có thể nhanh chóng xác nhận biến đổi khí hậu, thiên tai và các cơ sở hạ tầng dễ tổn thương bằng công nghệ vũ trụ và dữ liệu mặt đất; cung cấp các giải pháp thông minh cho nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp bằng các hệ thống xanh với công nghệ địa không gian; bảo đảm tự do và minh bạch đối với các phương tiện biển và các đối tượng khác trong các hoạt động hàng hải bằng chùm vệ tinh…
Dù vậy, hiện nay, việc phát triển vệ tinh nhỏ vẫn còn gặp một số khó khăn, trong đó, bên cạnh khó khăn về công nghệ, nổi bật nhất là vấn đề nguồn vốn. Trao đổi với Thông tin Chính phủ, TS Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc VNSC cho biết, do các nguồn vốn ODA và ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này còn hạn hẹp, nên cần phải xã hội hóa, tìm kiếm đầu tư từ các doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải chứng minh được ứng dụng và khả năng đem lại nguồn lợi cho doanh nghiệp công nghệ vệ tinh nhỏ.
Hiện nay, tại các nước châu Âu, Mỹ, nhiều doanh nghiệp đã phát triển vệ tinh và nhiều ứng dụng từ công nghệ vệ tinh. Tuy nhiên, lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn còn vắng bóng các doanh nghiệp tham gia.
Tháng 2/2021, Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 được ban hành vào tháng 2/2021. Với mục tiêu ứng dụng rộng rãi thành tựu của khoa học – công nghệ vũ trụ; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực có liên quan đến quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, giám sát và hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cung cấp đa dạng dịch vụ cho người dân; nâng cao tiềm lực khoa học – công nghệ của đất nước, góp phần bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội và bảo đảm các lợi ích quốc gia khác.