Tính đến ngày 30/9, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2021 - 2022., ép được 7,5 triệu tấn mía, tăng 11,8 về lượng mía và tăng 8,3% về sản lượng đường so với cùng kỳ. |
Trong báo cáo ngành đường quý III/2022 vừa công bố cuối tháng 10, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar, nguồn cung từ các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu đã có phần giảm bớt, giúp cho đường sản xuất từ mía có thể tiêu thụ và cải thiện được giá bán.
Theo VSSA, đến ngày 30/9, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2021 - 2022. Lũy kế đến kết thúc vụ toàn ngành đã ép được 7,5 triệu tấn mía sản xuất gần 747.000 tấn đường, tăng 11,8 về lượng mía và tăng 8,3% về sản lượng đường so với cùng kỳ vụ ép mía 2020 - 2021.
Với biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại được áp dụng từ ngày 8/8, trong nửa đầu tháng 9, lượng đường nhập khẩu chính ngạch đã giảm bớt. Đồng loạt các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng đối với hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu đã được triển khai nên các hoạt động này cũng tạm thời bị trấn áp. Sự giảm bớt tạm thời của các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu cũng giúp cho đường sản xuất từ mía tiêu thụ được.
Mặc dù đã có nhiều biện pháp khắc phục, nhưng các hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu đường sau đó lại bùng phát. Có nhiều vụ nhập lậu bị phát hiện tại các địa phương nhưng đường đóng bao Thái Lan vẫn tiếp tục tràn ngập và hoàn toàn làm chủ thị trường.
Trong tháng 9, so với giá đường thị trường nội địa trong khu vực bao gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, giá đường của Việt Nam đã ở mức tương đương so với các đồng nghiệp trong khu vực (đặc biệt chỉ khoảng 50% so với giá đường tại Philippine).
Từ tình hình sản xuất và tiêu thụ đường tính đến giữa tháng 10/2022, VSSA ước tính tổng cung đường năm 2022 gần 2,86 triệu tấn lớn hơn tổng cầu trong khoảng 2,1 - 2,3 triệu tấn nên cân đối cung cầu đường sẽ là thừa cung cho cả năm 2022.
Giá đường tại thị trường Việt Nam dù có tăng vẫn sẽ tiếp tục ở mức tương đương và thấp hơn so với giá đường của các quốc gia trồng mía lân cận (Trung quốc, Indonesia, Philippine).
Tuy nhiên, CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) lại nhận định sản lượng đường Việt Nam khó tăng trưởng trong các năm tiếp theo do gặp khó khăn về vùng nguyên liệu. Giá đường sẽ lệ thuộc rất lớn vào khả năng kiểm soát đường nhập lậu và chính sách nhập khẩu trong thời gian tới.
Theo Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), chỉ số giá giao dịch hàng hóa đường thô và đường trắng trong quý III/2022 dao động theo xu hướng tăng ở đầu tháng, sau đó giảm trở lại. Nhu cầu cao đối với đường thô Brazil và mức chênh lệch giá cao giữa đường trắng và đường thô đã đóng vai trò chính đối với xu hướng tăng giá đường trong quý III.
Niên vụ 2022 - 2023 của quốc gia sản xuất mía hàng lớn nhất thế giới là Brazil đã đi qua nửa chặng đường (vụ mía bắt đầu từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2023). Trong các tháng gần đây sản lượng mía có sự sụt giảm do điều kiện thời tiết bất lợi, ảnh hưởng đến hoạt động thu hoạch chủ yếu ở các bang Paraná, Mato Grosso do Sul và São Paulo khiến kế hoạch ép mía của các nhà máy bị thay đổi.
Tuy nhiên, nhu cầu cao đối với đường thô Brazil và mức chênh lệch giá cao giữa đường trắng và đường thô đã đóng vai trò chính đối với xu hướng tăng giá đường trong quý III.
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2022 đường nhập khẩu chính thức từ Campuchia và Lào vào Việt Nam rất khiêm tốn, đạt mức gần 533.100 tấn, tương đương bình quân hơn 69.100 tấn/tháng.