Vinamilk khó tăng trưởng về thị phần khi hiện đã đạt mức gần 40% toàn ngành sữa. |
Nếu cuối năm 2020, cổ phiếu VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vẫn xếp thứ 4 trong top 10 nhóm blueschip với vốn hóa đạt 227.387 tỷ đồng thì cuối năm 2021, mã đã rớt tới 3 bậc, lui về vị trí thứ 7. Việc thị giá liên tục đi xuống khiến vốn hóa của VNM chỉ còn 180.572 tỷ đồng. Như vậy, trong năm thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hoa nhất thì VNM đi ngược dòng, "bốc hơi" 46.815 tỷ đồng vốn hóa.
Sang năm 2022, đà giảm của VNM vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện vốn hóa thị trường của Vinamilk chỉ còn lại 169.286 tỷ đồng (tương đương 7,3 tỷ USD), bị MSN và TCB vượt qua, lui về vị trí thứ 9. Tuy nhiên, trước sự bám đuổi sát nút của bộ ba VietinBank (mã CTG), VPBank (mã VPB) và CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL) thì việc VNM "rớt đài" cũng chỉ còn là chuyện một sớm một chiều.
Trong năm 2021, cổ phiếu của Vinamilk nằm trong top những cổ phiếu giảm giá đi ngược lại xu thế thăng hoa của thị trường. Dù không có những phiên giảm sốc, "nằm sàn" nhưng VNM như đang đi xuống một con đường dốc thoai thoải, đến hiện tại vẫn chưa có điểm lên.
Thời điểm đầu tháng 1/2021, VNM ở vùng giá 116.000 đồng/cp, đến giữa năm thì tụt về vùng 90.000 đồng và vẫn còn những phiên điều chỉnh phục hồi. Tuy nhiên từ quý IV/2021 đến nay, mã vào đà giảm liên tục. Phiên 25/1/2022 rớt mạnh về vùng 79.000 đồng và phiên 21/2 đang điều chỉnh ở mức giá 81.000 đồng. Đây là mức giá thấp nhất của VNM trong vòng 22 tháng, tương đương mức giảm 43% so với hồi đầu năm 2021.
Thời gian qua, áp lực bán ròng của khối ngoại ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến của cổ phiếu Vinamilk. Thống kê cho thấy, VNM là một trong ba cái tên bị nhà đầu tư nước ngoài xả mạnh nhất trong năm 2021 với giá trị lên đến hơn 6.600 tỷ đồng, chỉ xếp sau HPG (18.900 tỷ đồng) và VPB (9.331 tỷ đồng).
Từ đầu năm 2022 đến nay, VNM vẫn chưa thoát khỏi xu hướng bán ròng với tổng giá trị hơn 380 tỷ đồng. Trong khi đó, 2 cổ đông ngoại nổi tiếng của Vinamilk là Platinum Victory và F&N Dairy Investments vẫn trong tình trạng đăng ký mua nhưng không mua được do điều kiện thị trường không thuận lợi.
Vì sao nhà đầu tư "quay xe"?
VNM lên sàn chứng khoán từ năm 2006. Cổ phiếu sữa này từng là khoản đầu tư hiệu quả nhất đối với các nhà đầu tư nắm giữ lâu năm khi giá cổ phiếu và kết quả kinh doanh đều tăng trưởng ấn tượng sau khi lên sàn. Giai đoạn 2003-2013, lợi nhuận Vinamilk tăng trưởng từ 56 tỷ lên 6.534 tỷ đồng, tức gấp 116 lần. Còn cổ phiếu VNM đạt đỉnh 134.400 đồng/cp vào đầu năm 2018, tức tăng giá 47 lần kể từ khi niêm yết đầu năm 2006 (giá đã điều chỉnh).
Tăng trưởng là câu chuyện giúp VNM thăng hoa nhưng cũng trở thành áp lực khiến cổ phiếu này quay đầu tụt dốc. Kể từ năm 2017 đến nay, lợi nhuận của Vinamilk ổn định ở mức trên 10.000 tỷ đồng, không có nhiều đột phá. Năm 2021, kết quả kinh doanh của công ty tương tự năm 2020 và những năm trước. Doanh thu thuần tăng khoảng 2% so với 2020, đạt 60.919 tỷ đồng. Do giá vốn cao nên lợi nhuận sau thuế giảm 5% so với năm trước, còn 10.633 tỷ đồng.
Nhận thấy động lực tăng trưởng của Vinamilk không còn, các quỹ ngoại đã liên tục loại VNM khỏi danh sách đầu ty chiếm tỷ trọng lớn. Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) – quỹ 2 tỷ USD do Dragon Capital quản lý - lần đầu đưa VNM ra khỏi top 10 danh mục vào cuối năm 2018. Trước đó, trong giai đoạn 2011-2013, cổ phiếu sữa này từng chiếm gần 30% giá trị tài sản ròng của quỹ.
Còn VOF - quỹ lớn nhất thuộc VinaCapital cũng hạ tỷ trọng và đưa VNM ra khỏi top 10 khoản đầu tư lớn nhất cuối tháng 2 năm 2021. Vào thời điểm giữa năm 2017, Vinamilk là khoản đầu tư lớn nhất chiếm hơn 13% danh mục VOF.
Thời điểm cuối năm 2019, Arisaig Asia Consumer Fund Limited là cổ đông lớn thứ 5 tại Vinamilk với khoảng 1,65% cổ phần. Tuy nhiên đến giữa năm 2020, quỹ tuyên bố đã thoái toàn bộ gần 30 triệu cổ phiếu VNM. Arisaig Asia mua VNM trong phiên đấu giá năm 2002 trước khi bán ra vào năm 2007. Sau cuộc khủng hoảng tài chính, quỹ mua lại cổ phần vào năm 2009 và kết thúc vị thế trong quý II/2020. Arisaig Asia ước tính tỷ suất sinh lợi bình quân 11 năm đầu tư vào VNM là 20%/năm.
Arisaig Asia cho rằng ngành sữa Việt Nam đang dần bão hòa nhanh hơn so với dự tính ban đầu và tăng trưởng Vinamilk đang chậm lại ở các sản phẩm chính như sữa uống và sữa công thức dành cho trẻ em. Ngoài ra, quỹ này còn bày tỏ quan điểm nguồn lực nông nghiệp (đất đai, nước…) chi cho việc duy trì đàn bò sữa quá tốn kém và đây là ngành hàng gây tổn hại đến môi trường nhiều nhất trong số các lĩnh vực đầu tư của quỹ.
Cổ phiếu của Vinamilk giảm dần đều trong thời gian qua. |
Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, VNM chứng kiến đà bán ròng mạnh mẽ từ khối ngoại trong 2021 là do xuất phát từ kết quả kinh doanh suy giảm. Thị phần VNM hiện đạt mức gần 40% toàn ngành sữa nên giảm kỳ vọng tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư. Tuy nhiên công ty chứng khoán này cho rằng, mức định giá hiện tại của VNM là hấp dẫn và hiếm có so với lịch sử cũng như so với VN- Index và các cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng trong khu vực. Khi kết quả tăng trưởng trở lại, VNM xứng đáng được định giá lại, phù hợp với vị thế của một công ty đầu ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam.
Về triển vọng giá sữa năm 2022, trong báo cáo gần đây, Rabobank ước tính thị trường thế giới tiếp tục duy trì mức giá cao. Nhu cầu mạnh do nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng có thể sẽ bắt đầu giảm vào năm 2023 do tồn kho tăng và hoạt động logistic toàn cầu cải thiện, cũng như kế hoạch mở rộng đàn bò của Trung Quốc bắt đầu đem lại sản lượng.
Từ đây, Chứng khoán SSI cũng nhận định lợi nhuận của Vinamilk sẽ cải thiện vào năm 2022. Theo SSI, PE của VNM năm 2020 đạt mức 22,6 lần. Năm 2021 PE là 18,4 lần và năm 2022 ước tính về mức 17,1 lần. "PE 2021 của VNM là 18,4x, thấp hơn 15% so với trung bình 2018-2021 và 25% so với các công ty khác trong khu vực. Định giá giảm đáng kể do lợi nhuận yếu đi", SSI nêu trong báo cáo triển vọng ngành tiêu dùng năm 2022.