Vĩnh Hoàn tiếp tục lãi lớn quý 3, lỗ chứng khoán vì NLG và DXS

Vĩnh Hoàn Thuỷ sản
18:17 - 20/10/2022
Vĩnh Hoàn được hưởng lợi nhờ giá bán cá tra xuất khẩu tăng.
Vĩnh Hoàn được hưởng lợi nhờ giá bán cá tra xuất khẩu tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ giá bán cá tra tăng, CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC) báo lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại ghi nhận những khoản lỗ từ chứng khoán. 

Trong quý 3/2022, doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 3.261 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tài chính cũng tăng mạnh 2,2 lần lên 163 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng 140% lên 107 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm 25 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Trừ hết các chi phí, Vĩnh Hoàn thu về lợi nhuận sau thuế 460 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 450 tỷ đồng, tăng 76%. Theo giải trình từ phía công ty, lợi nhuận quý 3 tiếp tục được hỗ trợ bởi giá bán tăng.

So với mức nền thấp trong quý 3 năm 2021, doanh thu và lợi nhuận của Vĩnh Hoàn tăng trưởng vượt trội nhưng so với quý liền trước thì cho thấy dấu hiệu giảm tốc. Trong quý 2/2022, công ty đạt 4.226 tỷ đồng doanh thu thuần, 788 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn mang về doanh thu 10.755 tỷ đồng, tăng 69% so với kết quả thực hiện năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.815 tỷ đồng, tăng gần 180%.

Tại thời điểm cuối quý 3/2022, tổng tài sản của Vĩnh Hoàn đạt 11.907 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ so với đầu năm. Các khoản tăng mạnh là đầu tư tài chính ngắn hạn (tăng từ 1.272 tỷ đồng lên 1.757 tỷ đồng), các khoản phải thu ngắn hạn (từ 2.132 tỷ đồng lên 2.943 tỷ đồng), hàng tồn kho (từ 1.793 tỷ đồng lên 2.805 tỷ đồng).

Đáng chú ý, trong khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, phần chứng khoán kinh doanh tăng đáng kể, từ 80 tỷ đồng lên hơn 190 tỷ đồng.

Công ty đầu ngành về xuất khẩu cá tra đang đầu tư chủ yếu vào 3 mã cổ phiếu bất động sản. Đó là NLG của CTCP Đầu tư Nam Long, DXS của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh và KBC của Tổng Công ty phát triển Kinh Bắc.

Tuy nhiên tại thời điểm cuối quý 3, khoản đầu tư chứng khoán của VHC ghi nhận lỗ hơn 78 tỷ đồng, giá trị hợp lý chỉ còn 112 tỷ đồng. Trong đó, NLG và DXS lỗ nặng nhất. Cũng dễ hiểu bởi từ nửa cuối tháng 8 đến nay, hai cổ phiếu này đều giảm giá sâu.

Trong khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, VHC còn có 1.645 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, tăng hơn 400 tỷ đồng so với đầu năm. 50 tỷ đồng đầu tư trái phiếu.

Cùng với tài sản, nợ phải trả của Vĩnh Hoàn cũng tăng đáng kể, từ 2.854 tỷ đồng hồi đầu năm lên 4.044 tỷ đồng. Khoản tăng chủ yếu là nợ vay ngắn hạn, từ 1.735 tỷ đồng lên 2.493 tỷ đồng. Vay dài hạn cũng tăng nhẹ từ 156 tỷ đồng lên 178 tỷ đồng.

Tính tới 30/9/2022, VHC còn 5.604 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Công ty mới thông báo 21/10 là ngày đăng ký cuối cùng tạm ứng cổ tức 2022 với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt.

Với tỷ lệ chi trả 20% (2.000 đồng/cp) và hơn 183 triệu cp đang lưu hành, ước tính Vĩnh Hoàn cần chi xấp xỉ 367 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận giữ lại chưa phân phối đến 30/06/2022.

Trong bối cảnh đó, Quỹ ngoại Dragon Capital vừa mua thêm 300.000 cổ phiếu VHC vào ngày 11/10 để nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,9% lên 5,06% vốn điều lệ, chính thức trở thành cổ đông lớn tại Vĩnh Hoàn. Với hơn 9,28 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, Dragon Capital sẽ được nhận về gần 18,6 tỷ đồng trong đợt chia cổ tức lần này.

Cổ phiếu VHC chốt phiên 20/10 ở mức giá 75.000 đồng. So với mức đỉnh 111.000 đồng hồi tháng 5, mã này đã giảm 32%. Tuy nhiên so với thời điểm đầu năm, cổ phiếu của Vĩnh Hoàn vẫn tăng 19%.

Tin liên quan

Đọc tiếp