Giao dịch sàn HoSE phiên 10/6. |
Đóng cửa phiên 10/6, VN-Index tăng hơn 3 điểm lên mốc 1.290,67 điểm. HNX-Index và UPCoM cùng tăng nhẹ. Thanh khoản vẫn duy trì mức cao với tổng giá trị khớp lệnh đạt gần 22.500 tỷ đồng, trong đó khối ngoại chiếm hơn 3.500 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng hơn 1.100 tỷ đồng trên sàn HoSE, tâm điểm bán FPT 172 tỷ đồng, HPG 118 tỷ đồng, VNM 100 tỷ đồng, VCB 93 tỷ đồng, SSI 84 tỷ đồng, VHM 64 tỷ đồng, POW 50 tỷ đồng; VND 47 tỷ đồng, AAA 40 tỷ đồng, PVD 36 tỷ đồng…
Chiều ngược lại, FRT được mua ròng mạnh nhất với giá trị 45 tỷ đồng. STB cũng được mua ròng 40 tỷ đồng. Danh sách còn có GVR 31 tỷ đồng, HAH 23 tỷ đồng; NTL, CTD, DPR, MBB, MWG, PNJ 10-20 tỷ đồng…
VN30 cũng tăng hơn 3 điểm, lên mốc 1.311,1 điểm. Dòng tiền phân hóa với chiều tăng mạnh nhất là GVR +3,4%, tiếp theo là CTG +2,1%. FPT tăng 1,4%, tiếp tục chinh phục vùng đỉnh mới 144.000 đồng/cp.
Ngày 13/6 tới đây, FPT sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt còn lại năm 2023 với tỷ lệ 10%. Ngày thanh toán dự kiến là 20/6. Đồng thời, ngày 13/6 cũng là ngày FPT chốt danh sách cổ đông thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Công ty sẽ phát hành thêm 190,5 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 20:3 (cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ nhận thêm 3 cổ phiếu mới).
Trong VN30 còn có MWG, PLX, STB, TPB cũng tăng hơn 1%; VPB, VIB, MBB, HDB tăng nhẹ. Chiều giảm sâu nhất là BCM và POW, cùng giảm hơn 2%. Các mã còn lại giảm nhẹ. HPG, GAS, SSB, VJC đứng tham chiếu.
Tâm điểm dòng tiền hôm nay đổ dồn về nhóm cổ phiếu vận tải biển. HAH, VOS và hàng loạt mã khác cùng tăng trần như SGP, GSP, VTO, VNA, VNL, CAG, QNP… VSC và GMD cũng tăng hơn 4%, PVT tăng 5,6%. Trong đó, GMD xác lập đỉnh mới ở vùng giá 86.900 đồng/cp.
Diễn biến "dậy sóng" của nhóm cổ phiếu vận tải biển hưởng ứng việc giá cước tăng đáng kể thời gian qua. Nguyên nhân khiến cước tàu biển tăng đến từ xung đột địa chính trị đang làm ảnh hưởng giá cước tàu biển trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Mỹ lên kế hoạch áp thuế mạnh lên nhiều loại hàng hóa Trung Quốc từ tháng 8 khiến các nhà xuất khẩu nước này đẩy mạnh xuất hàng trước thời hạn. Các công ty xuất khẩu vừa và nhỏ vốn nhạy cảm với những thay đổi về giá cước đường biển lại không thể tìm được tàu.
Nhóm cổ phiếu cao su, thép, liên quan đến xuất khẩu cũng diễn biến khá tích cực. DPR tăng trần, GVR tăng 3,4%, DRC tăng 2,8%; IDI tăng 5,4%, ANV tăng 2,2%, TNG tăng hơn 3%, VHC tăng 3%; HSG tăng 2,1%, NKG tăng 3,1%...
Các nhóm trụ cột của thị trường trầm lắng hơn, dòng tiền giao dịch theo hướng phân hóa. Tại nhóm chứng khoán, một số mã nhỏ tăng tốt như VDS tăng trần, HAC tăng 4,3%, BMS tăng 2,6%, AGR tăng 2,3%, TVB tăng 2,2%... VIX, HCM tăng hơn 1%; VCI, SHS tăng nhẹ. SSI và VND giảm nhẹ.
Nhóm xây dựng và bất động sản cũng ghi nhận một số mã nhỏ tăng tốt như CC1 +3,3%, LHC +4,6%, NTL +3,7%, TIG +2,8%, HDG +1,8%, CTD +2,5%... DIG, KBC, NLG, HDC, CII, SZC, REE, DTD… tăng nhẹ. VHM, VIC, TCH, PDR, VRE, NVL, DXG, VCG, DXG, CEO, VPI, BCG, HHV… giảm trên dưới 1%.