Sàn HoSE chìm trong sắc đỏ. |
Kết phiên 23/7, VN-Index giảm gần 23 điểm, lùi về vùng 1.231,81 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2024. HNX-Index cũng giảm gần 4 điểm còn UPCoM giảm 1,25 điểm. Tổng giá trị khớp lệnh trên toàn thị trường đạt gần 18.500 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 3.200 tỷ đồng và trở lại bán ròng hơn 100 tỷ đồng trên sàn HoSE. Phiên hôm qua, nhóm này mua ròng hơn 400 tỷ đồng.
Mã bị bán ròng mạnh nhất là DGC với giá trị gần 130 tỷ đồng, kế đến là TCH 31 tỷ đồng, VHM 29 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ FUEVFVND 27 tỷ đồng, DXG 25 tỷ đồng, HCM 24 tỷ đồng, HDB 21 tỷ đồng… Chiều mua ròng dẫn đầu là VNM với gần 100 tỷ đồng, tiếp theo là VCB 41 tỷ đồng, BCM 33 tỷ đồng, BID 27 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ FUESSVFL 21 tỷ đồng; VPI, PLX, PVD gần 20 tỷ đồng…
VN30 là gánh nặng kéo thị trường giảm sâu, với mức giảm hơn 20 điểm. GVR giảm sát sàn -6,6%, nhiều bluechip khác cũng giảm sâu như MBB -5,2%, TPB -4,6%, POW -4,5%, MWG -4,7%, CTG -3,7%, BID -3,6%, STB -3,3%, ACB -3%... Các mã ngược chiều là FPT +1,1%, SSB +1,4%; VIC, VJC, VNM tăng nhẹ; VRE đứng tham chiếu.
Toàn thị trường có 38 mã giảm sàn, với nhiều cái tên quen thuộc như DPG của nhóm bất động sản, DBC của nhóm nông nghiệp, CSV của nhóm phân bón, DGW của nhóm bán lẻ, SMC của nhóm thép, VGI nhóm viễn thông, VTP và HVN nhóm vận tải…
Trong đó, HVN có phiên giảm sàn phiên thứ ba liên tiếp, lùi về mức giá 22.650 đồng/cp. Sau giai đoạn tăng nóng, cổ phiếu của Vietnam Airlines lại “lao dốc không phanh” khiến những cổ đông không kịp “xuống tàu” chao đảo. Chỉ từ đầu tháng 7 đến nay, mã đã “bốc hơi” gần 40% giá trị.
VGI cũng là mã bị chốt lời mạnh thời gian qua. Từ vùng giá đỉnh 111.000 đồng/cp cách đây hai tuần, cổ phiếu của Viettel Global đã giảm về vùng 72.000 đồng/cp, tương ứng mức giảm 35%.
Ngoài nhóm công nghệ tăng vốn hóa nhờ lực kéo của FPT, các nhóm ngành còn lại đều giảm sâu. Nhóm chứng khoán chỉ còn ba mã giữ được sắc xanh là APG +1,4%, EVS +2,9%, VUA +0,6%. BSI giảm sàn, nhiều mã giảm sâu như HAC -9,6%, BVS -6,8%, CTS -6,6%, TVS -5,9%, MBS -5,5%, VIX -5,4%, TVC -5,3%, FTS -4,8%, SHS -3,9%, HCM -3,6%, SSI -2,3%, VND -1,9%...
Những mã cổ phiếu đầu tư 'ưa thích' của các công ty chứng khoán SSI và VNDirect - hai công ty chứng khoán đầu ngành cùng ưa thích một cổ phiếu ngân hàng, trong khi SHS đang thắng lớn với một cổ phiếu bán lẻ. |
Nhóm ngân hàng ngoài SSB cũng chỉ còn một mã ở chiều tăng là KLB +4,3%. Các bluechip ACB, BID, CTG, TPB, MBB, STB như đã kể trên là nhân tố chính kéo nhóm ngành đi xuống. Nhiều mã nhỏ cũng giảm sâu như BVB -7,4%, OCB -4,6%, MSB -3,7%, NAB -2,6%, EIB -2,2%, VAB -2%...
Tại nhóm xây dựng và bất động sản, ngoài DPG thì QCG, CMS cũng nằm sàn; các mã giảm sâu là HDG -5,7%, TCH -4,4%, DIG -2,9%, PC1 -2,1%, SJS -3,4%, DXG -2,5%, PDR -3,2%, DTD -4,7%, BCG -5,1%, HBC -3,9%, HPX -3,2%, ITA -5,1%... VIC, NLG tăng nhẹ. VPI tiếp tục tăng 4,7% lên vùng đỉnh mới 67.000 đồng/cp. Phiên hôm qua, cổ phiếu của Văn Phú Invest cũng là một trong số ít mã ngược dòng thị trường tăng mạnh.
VPI vốn là cổ phiếu ít bị tác động dù trong giai đoạn nhóm cổ phiếu bất động sản chịu “sóng gió”. Trong hơn 2 năm qua, mã vẫn duy trì trên mốc 50.000 đồng/cp.
Thời gian gần đây, Văn Phú Invest không có thông tin gì mới, công ty cũng chưa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024.