Giao dịch sàn HoSE phiên 5/7. |
VN-Index đóng cửa phiên 5/7 ở mốc 1.283,04 điểm, tăng hơn 3 điểm so với phiên hôm qua. HNX-Index tăng 0,43 điểm còn UPCoM đứng tham chiếu. Tổng giá trị giao dịch trên kênh khớp lệnh đạt gần 16.000 tỷ đồng. Như vậy, thị trường đã có một tuần tăng điểm trọn vẹn, tương ứng mức tăng hơn 40 điểm so với tuần trước. Diễn biến thanh khoản theo xu hướng tích lũy, trước ngưỡng kháng cự quan trọng là 1.300 điểm.
Khối ngoại vẫn chưa dứt mạch bán ròng, với giá trị bán ròng hôm nay gần 400 tỷ đồng, trên tổng số gần 3.500 tỷ đồng giao dịch. FPT sau hai phiên được mua ròng lại bị bán trở lại, giá trị trên 270 tỷ đồng. VRE cũng bị bán ròng 256 tỷ đồng, kế đến là HPG 92 tỷ đồng, VPB 57 tỷ đồng; LPB, DXG, HDB trên 40 tỷ đồng; chứng chỉ quỹ FUEVFVND, VJC, VTP, CMG trên 20 tỷ đồng…
Ngược lại, được mua ròng mạnh nhất là mã bất động sản NLG với giá trị gần 100 tỷ đồng. Danh sách còn có SSI 64 tỷ đồng, BID 57 tỷ đồng, HVN 40 tỷ đồng; GMD, VCB trên 30 tỷ đồng; STB, DGC trên 20 tỷ đồng…
VN30 tích cực hơn với mức tăng hơn 5 điểm, lên mốc 1.316,18 điểm. FPT tăng tốt nhất với tỷ lệ hơn 2%, lên giá 138.700 đồng/cp - mức đỉnh của cổ phiếu này. Từ giữa tháng 4/2024 đến nay, cổ phiếu đầu ngành công nghệ đã tăng gần 50%.
CTG và VNM cùng tăng hơn 1%, còn lại các mã tăng nhẹ như ACB, BCM, GAS, GVR, MWG, PLX, SHB, SSI… Chiều giảm có VRE -2,1%, SAB -1,7%, POW -1%, BVH -1%; HDB, HPG, MSN, VIB giảm nhẹ. VIC, VHM, VCB, TCB, SSB, MBB, BID đứng tham chiếu.
Với sự dẫn dắt của FPT, nhiều cổ phiếu công nghệ thông tin khác cũng diễn biến tích cực. CTR tăng 3,3%, FOC tăng 4,6%, MFS tăng 4,6%, FOX tăng 3,2%, VGI và VTP tăng dưới 1%... Ngược lại, ELC, ICT ở chiều giảm.
Nhóm vận tải kho bãi hôm nay tăng mạnh nhất về vốn hóa, với VOS tăng trần, HVN tăng 6,3%, ACV tăng 3,7%; HAH, VSC, GMD tăng gần 2%.
Với mức tăng trên, VOS của CTCP Vận tải biển Việt Nam về lại vùng giá 20.500 đồng/cp, tăng gấp đôi trong vòng hơn 2 tháng và cao nhất kể từ tháng 4/2022. HVN của Vietnam Airlines sau vài phiên điều chỉnh đã trở lại đường đua, về lại mức giá 36.350 đồng/cp, tăng gấp đôi trong vòng 2 tháng qua và cao nhất kể từ tháng 3/2018.
Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã cho phép Vietnam Airlines được gia hạn trả nợ với khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng. Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Vietnam Airlines xây dựng chiến lược phát triển toàn diện, sớm hoàn thiện đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không này sớm phục hồi, phát triển bền vững.
Tín hiệu tích cực phiên hôm nay còn đến từ nhóm dệt may, với VGT tăng hơn 8%, STK tăng hơn 5%, TCM tăng 2,7%; TNG và GIL tăng nhẹ; một số cổ phiếu hóa chất, thép, xuất khẩu như CSV tăng trần, LAS tăng 3,5%, TVN +5,9%, CMX +5,3%, GDT +6,1%...
Với các nhóm ngành chủ chốt, diễn biến phân hóa và biên độ điều chỉnh hẹp. Nhóm ngân hàng có LPB tiếp tục tăng 2,7% lên vùng giá đỉnh mới 32.200 đồng/cp. Nhóm chứng khoán đa phần giảm giá nhưng tỷ lệ điều chỉnh không lớn, sâu nhất là DSE -3,9%.
Nhóm xây dựng và bất động sản tăng đáng kể có NLG +2,3%, HDG +1,2%, DPG +1,9%, TIG +4%, NTL +2,9%, CMS tăng trần… Chiều giảm ngoài VRE còn có DIG, DXG, NVL, REE, CEO, KBC, PDR, CII, VCG, HDC, CTD… Trong đó, DXG giảm mạnh gần 4%, lùi về vùng giá 15.000 đồng/cp, giảm 25% so với hồi đầu tháng 4/2024.
ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo giảm sàn về mức giá 4.880 đồng/cp, sau khi HoSE thông báo sẽ đưa cổ phiếu này vào diện hạn chế giao dịch vì vi phạm công bố thông tin.
TGĐ Guotai Junan: Trước cuối năm 2024, VN-Index có thể đạt mức 1.500 điểm |
Hai kịch bản thị trường chứng khoán tháng 7 |
Triển vọng vĩ mô và thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024 |