VND lập kỷ lục về thanh khoản. |
VN-Index kết phiên 6/7 ở mức 1.126,22 điểm, giảm hơn 8 điểm so với kết phiên hôm qua. HNX-Index và UPCoM cũng giảm lần lượt 2,7 điểm và 0,32 điểm. Thanh khoản tiếp tục lên cao với hơn 21.000 tỷ đồng được giao dịch, riêng kênh khớp lệnh đạt gần 19.700 tỷ đồng.
Khối ngoại cũng giao dịch tiêu cực với việc bán ròng 326 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong tổng số hơn 2.300 tỷ đồng giao dịch. STB bị bán mạnh nhất, với giá trị bán ròng 123 tỷ đồng. VCB cũng bị bán ròng 77 tỷ đồng. Tiếp theo là VNM 69 tỷ đồng, NLG, HDB 36 tỷ đồng, VHM 32 tỷ đồng, VIC 28 tỷ đồng…
Chiều mua của khối ngoại, HPG vẫn vững vàng phong độ dẫn đầu, tuy nhiên lực mua ròng đã giảm nhiệt với 42 tỷ đồng. KBC, PTB, CTG, SSI, GEX được mua ròng hơn 20 tỷ đồng.
VN30 giảm mạnh hơn khi mất 10 điểm, lùi về mốc 1.119,44 điểm. VHM là gánh nặng lớn nhất khi giảm 2,9%. STB, NVL, PDR, VPB, VRE đồng loạt giảm hơn 2%. Chiều tăng chỉ còn ít ỏi ở các mã BVH, GAS, GVR, HPG, MSN, SSI, TPB, VNM. Trong đó, GVR đạt mức tăng tốt nhất với tỷ lệ 3%, lên mức giá 20.700 đồng.
GVR là mã chứng khoán của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Từ phiên 12/6 đến nay, cổ phiếu này đi lên khá vững chắc với thanh khoản gia tăng, đạt mức tăng gần 17%. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ diễn ra ngày 16/6 vừa qua, ban lãnh đạo GVR cho biết đến năm 2030 sẽ chuyển đổi 40.000 ha đất cao su của doanh nghiệp thành khu công nghiệp và cụm công nghiệp, trong đó đến năm 2025 sẽ chuyển đổi 7.000 – 8.000 ha. Đây có lẽ là thông tin tích cực giúp cổ phiếu GVR được nhà đầu tư chú ý.
Xét về nhóm ngành thì bộ đôi ngân hàng và bất động sản là áp lực chính khiến chỉ số đi xuống. Tại nhóm bất động sản, ngoài bộ ba họ Vingroup (VIC, VHM, VRE) thì hàng loạt các mã lớn khác cũng kết phiên trong sắc đỏ. NLG giảm mạnh 3,4%, DXG giảm 3,6%, CEO giảm 3%, DIG giảm 1,9%... Vài mã ngược dòng là KBC +1,9%, TCH +3,5%, KHG +0,2%, SZC +2,1%, DRH +3,3%...
Tại nhóm ngân hàng, VCB cũng là gánh nặng chính khi giảm 1,3%. NVB giảm mạnh nhất 3,4%, STB giảm 2,7%, VPB cũng giảm 2%. BID, CTG, TCB, ACB, VIB, HDB, SHB… đều giảm giá. Ngược lại, SSB tăng mạnh 4,8%, NAB tăng 2,5%, VBB tăng 1,9%. Ngoài ra chiều tăng còn có BVB, SGB, TPB.
Tâm điểm chú ý trong phiên giao dịch hôm nay thuộc về cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect. Với áp lực xả bán dâng cao vào đầu phiên chiều, mã này cận kề mức giá sàn và khớp lệnh 70 triệu đơn vị chỉ trong 30 phút. Kết phiên, VND giảm 6,5% và khớp lệnh tới 105,8 triệu đơn vị. Đây là mức kỷ lục của VND kể từ khi lên niêm yết trên sàn chứng khoán.
Thanh khoản đột biến của VNDirect gây bất ngờ cho không ít nhà đầu tư khi thị trường không ghi nhận nhiều thông tin mới liên quan với công ty chứng khoán này. Với gần 106 triệu đơn vị được sang tay, VND lọt danh sách những cổ phiếu có khối lượng giao dịch trong một phiên cao kỷ lục của sàn chứng khoán Việt Nam.
Hồi tháng 6, Chứng khoán VNDirect tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023, thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng, tăng 16%. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm trước.
Kết thúc quý 1/2023, VND ghi nhận doanh thu hoạt động 1.290 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Khấu trừ các chi phí, công ty chứng khoán này báo lãi sau thuế 140 tỷ đồng, thấp hơn 82% so với cùng kỳ, chỉ mới thực gần 9% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đáng chú ý, năm 2023, VND đã thông qua 4 phương án chào bán và phát hành tăng vốn điều lệ “khủng”, gồm chào bán gần 244 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; phát hành hơn 24 triệu cổ phiếu ESOP; phát hành hơn 12 triệu cổ phiếu thưởng và chào bán gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Nếu thực hiện thành công các đợt chào bán và phát hành trên, vốn điều lệ của VNDirect sẽ tăng gấp rưỡi từ gần 12.200 tỷ lên hơn 18.000 tỷ đồng qua đó trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất sàn.