Tập đoàn sản xuất đồ chơi LEGO (Đan Mạch) ngày 3/11 đã tổ chức khởi công xây dựng nhà máy trị giá hơn 1 tỷ USD. |
Theo số liệu Cục đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tính đến ngày 20/11/2022 đạt hơn 25,1 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 0,4 điểm phần trăm so với 10 tháng và tăng 10,3 điểm phần trăm so với 9 tháng.
Đáng chú ý, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Xét về cơ cấu, theo Cục đầu tư nước ngoài, tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021 và biến động địa - chính trị toàn cầu song cũng đang dần được cải thiện, vốn điều chỉnh tiếp tục tăng 18,9%.
Cụ thể, có 1.812 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 14,9% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt hơn 11,5 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ và tăng 5,7 điểm phần trăm so với 10 tháng.
Về vốn điều chỉnh, có 994 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 13,3% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 9,54 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ.
Về góp vốn, mua cổ phần, có 3.298 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN, giảm 4,8% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp đạt gần 4,08 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ.
Về lĩnh vực đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14,96 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 4,19 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với vốn đăng ký đạt lần lượt gần 2,26 tỷ USD và gần 1,03 tỷ USD.
Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 29,9%, 24,5% và 16,5% tổng số dự án.
Về đối tác đầu tư, đã có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2022.
Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,78 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 24% so với cùng kỳ 2021. Nhật Bản đứng thứ hai với trên hơn 4,6 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư, tăng 24,4% so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên hơn 4,1 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đan Mạch.
Theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn mua cổ phần nhiều nhất trong 10 tháng năm 2022, chiếm 20,7% số dự án mới, 33,2% số lượt điều chỉnh và 34,1% số lượt góp vốn mua cổ phần.
Về địa bàn đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 11 tháng năm 2022.
TP HCM tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,54 tỷ USD, chiếm 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2021. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,03 tỷ USD, chiếm 12,1% tổng vốn, tăng 44,9% so với cùng kỳ. Quảng Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,19 tỷ USD, chiếm 8,7% tổng vốn và tăng gần 88,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo lần lượt là Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên.
Về số dự án mới, các nhà ĐTNN tiếp tục tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP HCM, Hà Nội. Trong đó, TP HCM dẫn đầu về số dự án mới (44,5%), số lượt góp vốn mua cổ phần (67,3%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (16,5% sau Hà Nội là 17,9%).
Về kim ngạch xuất-nhập khẩu, xuất khẩu (kể cả dầu thô) 11 tháng ước đạt hơn 255,1 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ, chiếm 74,5% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt hơn 252,9 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ, chiếm 73,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Kim ngạch nhập khẩu của khu vực ĐTNN ước đạt hơn 217,5 tỷ USD, tăng 10,2% so cùng kỳ và chiếm 65,2% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Tính chung trong 11 tháng năm 2022, khu vực ĐTNN xuất siêu gần 37,6 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 35,4 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 28,5 tỷ USD.
Doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam
Báo cáo Cục Đầu tư nước ngoài tháng 11 cho thấy, vốn ĐTNN vào Việt Nam vẫn giảm so với năm 2021, nhưng tình hình đã được cải thiện. Ngay cả vốn đăng ký mới cũng dần có sự cải thiện.
"Các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam", ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét.
Hơn nữa, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, nếu không tính 2 dự án lớn được cấp chứng nhận đầu tư trong 11 tháng năm ngoái (Dự án Điện LNG Long An I và II, vốn đầu tư 3,1 tỷ USD và Dự án Nhiệt điện Ô Môn II, vốn đầu tư 1,3 tỷ USD - PV) và đều là các dự án đã được đàm phán trong 7-8 năm trước đó, thì vốn đầu tư đăng ký mới 11 tháng năm 2022 tăng 19,3% so với cùng kỳ. Số dự án đầu tư mới cũng tiếp tục tăng so với cùng kỳ và tăng hơn so với các tháng đầu năm.
Một sự kiện đáng chú ý trong tháng 11 vừa qua, Tập đoàn sản xuất đồ chơi LEGO (Đan Mạch) ngày 3/11 đã tổ chức khởi công xây dựng nhà máy trị giá hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương. Đây là nhà máy thứ 6 trên toàn thế giới và thứ 2 tại Châu Á của Tập đoàn LEGO, và là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO trên toàn cầu, đồng thời đánh dấu "mốc xanh" trong dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trong báo cáo gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian qua Chính phủ đã có một loạt động thái quan trọng để thu hút các dự án FDI hiệu quả, chất lượng. Ban hành các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, phê duyệt bộ tiêu chí thu hút FDI có chọn lọc, thành lập tổ công tác đặc biệt để tiếp cận, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn, có công nghệ nguồn, đứng đầu chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để thu hút FDI đạt được hiệu quả, bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.