Kết quả kinh doanh của VPS tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024. |
Trong quý cuối cùng của năm 2024, VPS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.544 tỷ đồng, xấp xỉ so với con số 1.589 tỷ đồng của quý 4/2024. Trong đó, mảng môi giới hoạt động đạt 618,3 tỷ đồng, giảm so với mức 808 tỷ đồng cùng kỳ do thanh khoản của thị trường sụt giảm. Ở chiều ngược lại, lãi từ cho vay và phải thu tăng từ 335,9 tỷ đồng lên 458,2 tỷ đồng.
Trong bối cảnh doanh thu không có nhiều biến động, chi phí hoạt động của VPS thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ, khi giảm từ 1.052 tỷ đồng về còn 603,9 tỷ đồng. Nguyên nhân là lỗ bán các tài sản tài chính FVTPL giảm từ gần 298 tỷ đồng còn hơn 3 tỷ đồng, chi phí nghiệp vụ môi giới cũng giảm 22% về còn 525 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024, trong quý vừa qua, VPS còn ghi nhận khoản “doanh thu khác về đầu tư” cao đột biến, tăng từ 32,7 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước lên gần 448 tỷ đồng.
Với nguồn thu đột biến cùng với các chi phí được tiết giảm đáng kể, VPS báo lãi trước thuế đạt 1.052 tỷ đồng, gấp 4 lần so với quý 4/2023. Đây cũng là mức lãi kỷ lục trong một quý của “ông lớn” ngành chứng khoán này.
Trừ đi thuế TNDN, VPS lãi ròng quý 4/2024 hơn 837 tỷ đồng, tăng 329% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2024, lợi nhuận sau thuế của VPS đạt 2.521 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lãi 667 tỷ đồng của năm 2023.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Chứng khoán VPS đạt 30.371 tỷ đồng, tăng gần 8.000 tỷ đồng trong năm vừa qua. Ba khoản mục lớn nhất trong bảng cân đối gồm cho vay (12.493 tỷ đồng), các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (8.079 tỷ đồng), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (7.075 tỷ đồng).
Giá trị cho vay margin của VPS tại ngày 31/12/2024 là 12.209 tỷ đồng, tăng 9,5% so với thời điểm đầu năm.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của VPS tăng 41,1% so với thời điểm đầu năm lên 19.006 tỷ đồng, chủ yếu do vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng mạnh từ 12.544 tỷ đồng lên 18.329 tỷ đồng.