Ảnh minh họa: Quách Sơn. |
Trên thị trường thế giới, giá dầu đã trải qua 6 tuần giảm liên tiếp. Hiện giá dầu Brent và dầu WTI đã lùi xa mốc 80 USD/thùng.
Theo dữ liệu từ Oilprice ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 6/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 77,45 USD/thùng, tăng 0,25 USD, tương đương 0,32% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 72,51 USD/thùng, tăng 0,19 USD, tương đương 0,26% so với phiên liền trước.
Tại thị trường Singapore, trong vài ngày qua, giá xăng cơ sở đã giảm mạnh. Cập nhật tới phiên giao dịch ngày 5/12, giá xăng bán lẻ tại thị trường này đã giảm khoảng 5% so với 1 tuần trước đó. Trong đó, giá xăng 92 giảm còn 88 USD/thùng, xăng 95 giảm còn hơn 91 USD/thùng.
Do đó, trong kỳ điều hành ngày 7/12, dự báo giá xăng E5 RON 92 trong nước có thể giảm 300-400 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 400-500 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel có thể giảm 300-400 đồng/lít. Tuy nhiên, nếu liên Bộ Công Thương - Tài chính trích quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm ít hơn.
Nếu dự báo trên là chính xác, xăng RON 95 trong nước sẽ có phiên điều chỉnh giảm thứ 4 liên tiếp sau khi tiến sát mốc 24.000 đồng/lít.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 34 lần điều chỉnh, trong đó có 18 lần tăng, 11 lần giảm, 4 lần giữ nguyên và 1 lần tăng giảm trái chiều.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần nhất ngày 30/11, giá bán lẻ các loại xăng dầu được điều chỉnh theo hướng tăng, giảm trái chiều. Cụ thể, giá xăng E5 được nâng lên 100 đồng mỗi lít, giá bán là 21.790 đồng/lít. Giá xăng RON 95 hạ 30 đồng/lít, giá bán là 22.990 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 90 đồng/lít, giá bán là 20.190 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 170 đồng/lít, lên 21.110 đồng một lít; dầu mazut tăng 91 đồng, giá bán mới là 15.729 đồng/kg
Cũng tại kỳ điều hành ngày 30/11, liên bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục ngừng trích lập và cũng không chi Quỹ bình ổn giá.
Theo Bộ Tài chính, tổng số trích Quỹ bình ổn giá trong quý 3/2023 (từ ngày 1/7 đến hết 30/9) là 13,92 tỷ đồng. Còn số chi quỹ là 387,94 tỷ đồng.
Số dư Quỹ đến hết ngày 30/9 là 7.058,55 tỷ đồng, trong khi số dư quỹ đến hết ngày 30/6 là 7.429,33 tỷ đồng.
Hầu hết doanh nghiệp đầu mối có Quỹ bình ổn dương. Riêng số dư quỹ tại Petrolimex là lớn nhất, chiếm gần một nửa tổng số dư của quỹ với hơn 3.088 tỷ đồng; tiếp đến là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà với hơn 612 tỷ đồng...
Trong khi đó, PVOil có số dư quỹ bị âm hơn 101 tỷ đồng; xăng dầu Tân Nhật Minh âm hơn 36 tỷ đồng.
Trong một diễn biến liên quan, mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai ngay các giải pháp đồng bộ và yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định. Việc này hoàn thành trong tháng 12/2023.