Xây dựng chuỗi liên kết và tiêu thụ nông sản: Tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp Việt

Nông Sản KHỞI NGHIỆP
17:14 - 18/11/2021
Xây dựng chuỗi liên kết và tiêu thụ nông sản: Tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp Việt
0:00 / 0:00
0:00
Theo Lazada Việt Nam, phát triển được chuỗi cung ứng kết nối sẽ là hướng đi bền vững để chấm dứt tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào bên thứ 3 và điệp khúc “giải cứu” nông sản. 

Ngày 18/11, Hội thảo “Kết nối sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào hệ thống siêu thị và các kênh phân phối” đã được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST 2021.

Hội thảo hướng tới xúc tiến thương mại, truyền thông và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam tìm hiểu cơ hội phát triển thị trường tại các kênh phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước.

Thực trạng chuỗi liên kết và tiêu thụ nông sản

Tham luận tại hội thảo, bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại của MM Mega Market nêu ra thực trạng và nguyên nhân của vấn đề đứt gãy chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản Việt Nam hiện nay.

Nói về nguyên nhân vì sao người nông dân thường xuyên bị rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá”, bà Nga cho rằng, lý do đầu tiên của hiện trạng này là các giao kết thương mại của nông dân, nhất là các giao dịch với thương nhân Trung Quốc thường không được ký kết hợp đồng rõ ràng và chỉ dựa trên thỏa thuận miệng. Nên khi những thương lái nước ngoài đột ngột ngừng thu mua, sẽ dẫn đến tình trạng sản phẩm không có đầu ra, giá giảm, chuỗi tiêu thụ bị đứt gãy.

"Trong khi đó, người nông dân lại ưa trồng những loại cây ngắn hạn, dễ trồng lại cho năng suất cao chứ không tìm hiểu, cập nhật thông tin thị trường trong và ngoài nước. Khi chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bị đứt gãy, hàng hóa tồn đọng số lượng lớn không được tiêu thụ dẫn đến hậu quả là nông sản sẽ bị mất giá", bà Nga nói.

Lý do đầu tiên của hiện trạng được mùa mất giá là các giao kết thương mại của nông dân, nhất là các giao dịch với thương nhân Trung Quốc thường không được ký kết hợp đồng rõ ràng và chỉ dựa trên thỏa thuận miệng.

Điển hình là khoai lang tím có lúc xuống giá chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg vẫn không có người mua; xoài Úc được săn đón trước đây với giá 40.000-50.000 đồng/kg, nay sau khi thu hoạch, vận chuyển lên TP.HCM bán với giá 15.000 đồng/kg mà vẫn không tiêu thụ được.

"Nguyên nhân khác của thực trạng này là vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm vẫn tồn tại nhiều trở ngại. Nhận thức của người nông dân về vấn đề an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế", bà Nga nhận định.

Nhiều hộ sản xuất vẫn giữ thói quen lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình và không rõ nguồn gốc. Thực phẩm lậu, thực phẩm giả và thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn là vấn đề khá nhức nhối trong công tác quản lý của nhà nước.

Theo Khảo sát người tiêu dùng Việt Nam của Deloite 2020, hơn 56% người tiêu dùng quan tâm đến yếu tố an toàn thực phẩm khi quyết định mua hàng. Bên cạnh đó, người dân ở tất cả các nhóm thu nhập đều có xu hướng quan tâm nhiều đến nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm, đặc biệt là người tiêu dùng ở các thành phố lớn.

Bà Nga cho rằng, tất cả những thực trạng và nguyên nhân nêu trên đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững, nhất là đối với mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống.

Ảnh tác giả

Người nông dân cần được đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, tư vấn về mặt kỹ thuật để yên tâm sản xuất. Đối với doanh nghiệp là sự chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. Còn đối với thị trường là giải quyết được bài toán về chất lượng nông sản, đảm bảo nhu cầu về tiêu dùng và xuất khẩu

Bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại, MM Mega Market

"Đối với người nông dân cần được đáp ứng nhu cầu tiêu thụ được sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, tư vấn về mặt kỹ thuật để yên tâm sản xuất. Đối với doanh nghiệp là yêu cầu về sự chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. Còn đối với thị trường là yêu cầu giải quyết được bài toán về chất lượng nông sản, đảm bảo nhu cầu về tiêu dùng và hướng đến phát triển thị trường xuất khẩu", bà Nga nói.

Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại của MM Mega Market.

Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại của MM Mega Market.

Những đề xuất, giải pháp trong thời gian tới

Bên cạnh những điều đã đạt được trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ như: chủ động liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp, tổ chức hội chợ OCOP (chương trình mỗi làng một sản phẩm) cam kết tiêu thụ nông sản chủ động, xây dựng hệ thống các trạm trung chuyển sản phẩm nông nghiệp khắp cả nước, xây dựng chuỗi liên kết với nông dân và phát triển quy trình quản lý chất lượng đạt chuẩn, MM Mega Market cũng đề xuất một số giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, thông qua các chương trình kết nối do Bộ Công Thương tổ chức, tìm kiếm và hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp để tìm phương hướng áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất sản phẩm organic, sản xuất bao bì thân thiện với môi trường,…

Thứ hai, tiếp tục quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Thứ ba, tăng cường xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực, đặc biệt là mặt hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam. Đặc biệt là cần đa dạng hóa kênh bán hàng - gồm hình thức offline và online để có thể đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Theo bà Nga, vấn đề đa dạng kênh bán hàng đang rất được quan tâm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều thói quen tiêu dùng mới đã được hình thành và việc mua sắm trên các nền tảng số không còn là một hành vi nhất thời.

Theo Báo cáo của eConomy SEA 2021, có tới 53% người Việt Nam cho biết họ xem việc mua sắm hàng tạp hóa, hàng thiết yếu trên nền tảng số là một phần nếp sống của họ. Vì vậy, thương mại điện tử là một hướng phát triển tất yếu cho chuỗi cung ứng nông sản và sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Thương mại điện tử - Hướng đi bền vững cho chuỗi cung ứng

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Phát triển đối tác kinh doanh của Lazada Việt Nam chỉ ra 3 yếu tố quan trọng trong định hướng phát triển cho chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Thứ nhất, thương mại điện tử sẽ đem đến sự nhanh chóng, dễ dàng và an toàn cho doanh nghiệp. Quy trình đăng ký trở thành nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử hiện đã rất thuận tiện, chỉ mất 3 tiếng đồng hồ là có thể hoàn tất việc đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, công tác giao hàng cũng được chú trọng để có thể giao hàng thông suốt và nhanh chóng, ngay cả trong thời gian dịch bệnh căng thẳng.

"Doanh nghiệp chỉ cần đóng gói hàng hóa, tất cả khâu vận chuyển còn lại Lazada sẽ xử lý và giao cho tệp khách hàng cuối cùng trong thời gian sớm nhất. Việc giao nhận sẽ là một quy trình khép kín và được đảm bảo về độ an toàn cho hàng hóa", ông Hoàng nói.

Theo ông Hoàng, Lazada cam kết sẽ cung cấp những bảng biểu cập nhật tình hình kinh doanh theo thời gian cho các doanh nghiệp, người bán hàng và giúp họ dễ dàng tiếp thị sản phẩm nhờ tệp khách hàng lớn và đa dạng trên nền tảng thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Phát triển Đối tác Kinh doanh Lazada Việt Nam.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Phát triển Đối tác Kinh doanh Lazada Việt Nam.

Thứ hai, ông Hoàng cho rằng, thực trạng vướng mắc của nông sản Việt là đang phụ thuộc quá nhiều vào bên thứ 3 (thương lái, các trung tâm phân phối…). Do đó, phát triển chuỗi cung ứng kết nối sẽ là hướng đi bền vững để chấm dứt tình trạng phụ thuộc này cũng như chấm dứt được điệp khúc “giải cứu” nông sản.

Với nền tảng thương mại điện tử, doanh nghiệp khởi nghiệp và người bán hàng có thể phân phối nông sản và thực phẩm tươi sống ở thế chủ động: tự chủ về giá cả, thời gian và không bị động trong khâu vận chuyển.

Thứ ba, khai mở tiềm năng tăng trưởng doanh thu. Giúp doanh nghiệp và người bán hàng có thể chủ động trong các khâu phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Khi quản lý được quá trình kinh doanh, cùng với sự hỗ trợ tiếp thị của các sàn thương mại điện tử, tối ưu được chi phí vận chuyển, chi phí phát sinh, thì doanh nghiệp và người bán hàng có thể tăng trưởng doanh thu, tự "giải cứu" cho chính mình.

Bên cạnh những giải pháp được đưa ra từ những kênh phân phối lớn, các cơ quan, ban ngành cũng cần tạo cơ hội cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất và kinh doanh dễ dàng gặp gỡ các nhà phân phối, kết nối hiệu quả để có thể đưa những sản phẩm với chất lượng tốt nhất ra thị trường trong nước và tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.