Mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có dấu hiệu tăng trưởng nóng, xuất hiện một số hiện tượng huy động vốn trái phiếu chưa tuân thủ quy định của pháp luật. Theo đó, cơ quan chức năng cũng đã có những động thái xử lý mạnh tay đối với các trường hợp vi phạm.
Trước thực trạng đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đang phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) để xử lý vụ việc các công ty có hành vi chào bán chứng khoán nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Kết quả kiểm tra cho thấy, hoạt động chào bán trái phiếu của một số công ty có dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư.
"Các khoản tiền thu được các cá nhân trong doanh nghiệp rút ra khỏi tài khoản của doanh nghiệp và không được nhập quỹ đầy đủ, không được theo dõi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp" - Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho biết.
Vụ việc trên là điển hình cho dấu hỏi về dòng tiền thu được từ trái phiếu đã và đang đi đâu. Nó sẽ được doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích cam kết ban đầu với nhà đầu tư hay trở thành nguồn cơn của hành vi trục lợi? Dù vậy, lượng tiền lớn vẫn đổ vào trái phiếu doanh nghiệp, dù cho tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp.
Đơn cử như mới đây, Công ty Cổ phần Crystal Bay phát hành thành công 4,5 triệu trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, thu về 450 tỉ đồng.
Trái phiếu của Công ty Cổ phần Crystal Bay là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo. Trái phiếu có lãi suất cố định 9,5%/năm; kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn vào ngày 5.1.2024. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu vừa phát hành là 78,2 triệu cổ phần của Crystal Bay.
Hay như trường hợp Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt (thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) với khoản huy động 1.900 tỉ đồng, kỳ hạn 60 tháng, lãi suất cố định 11,5%/năm.
1.900 tỷ đồng sẽ được đảm bảo bằng quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, bao gồm lợi thế quyền sử dụng đất và công trình xây dựng dự kiến hình thành trong tương lai tại “Dự án đầu tư xây dựng dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt” và quyền sở hữu 200 tỷ đồng vốn điều lệ, tương đương 12,5% vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều tình trạng doanh nghiệp chào bán trái phiếu "chui".
Vừa qua, UBCKNN đã tiến hành kiểm tra, phát hiện Công ty CP Tập đoàn VsetGroup (VsetGroup) trong thời gian từ ngày 1/1/2020 – 27/10/2021 đã đưa thông tin mời chào và thông tin liên hệ trên phương tiện thông tin đại chúng để nhà đầu tư tiếp cận, mua trái phiếu do VsetGroup phát hành.
VsetGroup đã có hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN, vi phạm quy định tại Điều 13 Luật Chứng khoán năm 2016 và Điều 16 Luật Chứng khoán năm 2019.
UBCKNN cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính VsetGroup 600 triệu đồng và yêu cầu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vào ngày 5/12/2021, buộc VsetGroup phải thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng.
Ngày 6/12/2021, UBCKNN đã xử phạt 600 triệu đồng đối với Công ty CP Tập đoàn Apec Group (Apec Group) do chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN.
Cụ thể, đơn vị này chào bán trái phiếu Happybond.H.20.25.001, với trị giá 8,1 tỷ đồng trong năm 2020 và 16 gói trái phiếu với tổng giá trị 499,707 tỷ đồng trong giai đoạn từ ngày 18/1/2021 đến ngày 6/8/2021 ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN.
Hoàn thiện khung pháp lý
Thông tin từ phía Bộ Tài chính cho biết, từ thực tế hoạt động trên thị trường trái phiếu hiện nay, cơ quan này đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tăng cường việc quản lý, giám sát, triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, các tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.
Đồng thời, cơ quan chức năng có liên quan đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Tăng cường việc quản lý, giám sát, triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp |
Bộ cũng bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
Cùng với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo (UBCKNN) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tăng cường việc quản lý, giám sát, triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, các tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.