Xuất khẩu nghêu và tre của Việt Nam sang EU tăng mạnh

NÔNG NGHIỆP Oxfam
17:31 - 23/03/2023
Nhiều người nông dân đã có thu nhập bền vững hơn từ dự án. Ảnh: Oxfam.
Nhiều người nông dân đã có thu nhập bền vững hơn từ dự án. Ảnh: Oxfam.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án phát triển bền vững chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam (SCBV) góp phần giúp tăng kim ngạch xuất khẩu nghêu của Việt Nam sang Châu Âu đến 40%, xuất khẩu tre tăng 42% trong năm 2022, đóng góp định hướng phát triển bền vững các vùng sản phẩm này.

34.278 người có thu nhập bền vững hơn từ sản xuất nghêu, tre

Oxfarm ước tính có khoảng 1,5 triệu người sản xuất quy mô nhỏ tại Việt Nam có nguồn thu nhập từ sản xuất, chế biến nghêu và tre. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn so với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị.

Do đó, Liên minh châu Âu đã tài trợ 4,3 triệu Euro cho Dự án “Phát triển bền vững, toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam” (SCBV), với sự thực hiện của Oxfam và các đối tác liên quan.

Tại Hội thảo tổng kết dự án ngày 23/3, bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Quốc gia Oxfam tại Việt Nam cho biết, dự án góp phần giảm nghèo, bất bình đẳng ở các vùng nông thôn của Việt Nam thông qua hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ nâng cao thu nhập và vị thế của họ.

Dự án còn hỗ trợ các nhà sản xuất, chế biến nghêu và tre áp dụng các thực hành sản xuất bền vững, nâng cao hiệu quả kinh doanh - tiếp cận thị trường, thúc đẩy hợp tác công tư trong quản trị chuỗi công bằng và trách nhiệm.

Sản xuất nghêu bền vững thuộc dự án. Ảnh: Oxfam.

Sản xuất nghêu bền vững thuộc dự án. Ảnh: Oxfam.

Lấy các tiêu chuẩn bền vững làm định hướng phát triển sản xuất, dự án đã phối hợp cùng các địa phương cải tiến kỹ thuật cho nông dân, nhằm đạt các chứng chỉ quốc tế như MSC, ASC dành cho nuôi nghêu bền vững, được cấp cho vùng nghêu tỉnh Trà Vinh (huyện Cầu Ngang và Châu Thành).

Chứng chỉ FSC quản lý rừng bền vững dành cho tre được cấp cho vùng tre (hơn 6.300 ha) của 2 tỉnh Thanh Hóa (huyện Quan Hóa, Quan Sơn) và Nghệ An (huyện Quế Phong).

“Các chứng chỉ này không chỉ là giấy thông hành tới những thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật…mà còn giúp bảo tồn vùng nguyên liệu nghêu và tre bền vững, hạn chế tối đa các tác động về môi trường và xã hội”, bà Hoa nhấn mạnh.

"Trong 5 năm triển khai dự án, dù trải qua 2 năm đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ dự án, thị trường tiêu thụ và các yếu tố sản xuất, dự án đã đạt được những kết quả quan trọng, với 34.278 người có thu nhập bền vững hơn từ sản xuất nghêu và tre. Trong đó, có 18.226 nông dân chuỗi tre và 20.147 nông dân chuỗi nghêu”.

Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Quốc gia Oxfam Việt Nam

Ngoài ra, Giám đốc Quốc gia Oxfam Việt Nam cũng cho biết, dự án đã giúp 125 nhóm sản xuất được tổ chức tốt hơn, 63 doanh nghiệp cải thiện sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng và có chính sách kinh doanh bao trùm với hơn 4.336 việc làm mới được tạo ra. Nhân rộng mô hình nuôi nghêu nước sâu ở Đồng bằng sông Cửu Long với tiềm năng lên tới trên 30.000ha.

“Các kết quả này góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu nghêu của Việt Nam sang Châu Âu đến 40%, xuất khẩu tre tăng 42% và đóng góp xây dựng chính sách quốc gia, định hướng phát triển bền vững vùng nghêu/tre cấp tỉnh”, bà Vũ Thị Quỳnh Hoa chia sẻ.

Dự án tạo tác động kinh doanh bao trùm

Là một đối tác liên quan chặt chẽ đến dự án, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, dự án đã thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh bao trùm, kinh doanh tạo tác động.

“Đây là một xu hướng trên thế giới, đòi hỏi sự phát triển của doanh nghiệp cần kết hợp hài hoà với các bên liên quan khác nhằm thúc đẩy phát triển của cả chuỗi giá trị và ngành bền vững. Mô hình này đi đôi với các tiêu chuẩn sản xuất bền vững sẽ giúp mở rộng cánh cửa vào các thị trường xuất khẩu khó tính”, ông Phòng nhấn mạnh.

TS. Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ cũng đánh giá cao tác động của dự án. Theo ông Thắng, rừng tre thường sinh trưởng kém, thân cây nhỏ và bị suy thoái với năng suất không cao, chất lượng thấp, không đồng đều.

“Tuy nhiên, sau khi được áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo đúng quy trình khai thác bền vững và được cấp chứng chỉ quản lý rừng FSC, rừng tre đã sinh trưởng tốt hơn, cho năng suất, chất lượng đồng đều hơn và đem lại giá trị kinh tế, xã hội, môi trường cao hơn nhiều so với trước”, ông Thắng chỉ ra.

Theo ông Phan Văn Thắng, cùng với việc đổi mới kỹ thuật sản xuất, điều kiện quan trọng để chuỗi giá trị nông nghiệp vận hành hiệu quả và mang lại lợi ích cho các bên là nâng cao năng lực quản trị chuỗi.

Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam” (SCBV): Từ bền vững tới thịnh vượng

Thời gian: 4/2018 - 3/2023

Địa bàn: Nghệ An, Thanh Hóa (tre); Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre (nghêu)

Tổng ngân sách: 4.345.962 Euro

Tài trợ chính: Liên minh châu Âu (70%)

Thực hiện: Oxfam, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (NTFPRC), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các đối tác liên quan.

Tin liên quan

Đọc tiếp