Thủy sản chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường ASEAN. |
Số liệu của Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ NN&PTNT) chỉ ra, trong 11 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường ASEAN chiếm 17,51% tổng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang các nước ASEAN đạt gần 4,3 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi nhập khẩu đạt 6,53 tỷ USD, tăng 7,69% so với cùng kỳ năm trước.
Tính riêng tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 350,3 triệu USD, giảm 10,7% so với tháng trước và giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang ASEAN trong tháng 11/2022 là gạo (chiếm 41%), thủy sản (chiếm 17%), cà phê (chiếm 9%); gỗ và sản phẩm từ gỗ (chiếm 7%); rau quả (chiếm 6%).
So với tháng 11/2021, có 4/13 mặt hàng nông lâm thủy sản có kim ngạch xuất khẩu tăng, cao nhất là sắn và các sản phẩm từ sắn (tăng 268,57%), cà phê (tăng 53,32%); chè (tăng 30,88%); gạo (tăng 14,70%).
9/13 mặt hàng có xu hướng giảm, giảm mạnh nhất là thức ăn gia súc và nguyên liệu (giảm 46,51%); cao su (giảm 44,69%); phân bón các loại (giảm 34,86%).
Dự báo triển vọng một số mặt hàng chủ lực trong năm 2023
Đối với mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất là lúa gạo, Indonesia đang nhập khoảng 200 nghìn tấn đến trên 500 nghìn tấn gạo từ nay cho đến hết tháng 2/2023. Chính phủ nước này cho rằng việc nhập khẩu nhiều gạo sẽ giúp điều tiết giá thị trường ổn định hơn, tránh lạm phát giá lương thực gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Nhập khẩu nhiều gạo cũng giúp người dân Indonesia đa dạng sự lựa chọn loại gạo cho bữa ăn của mình. Tuy nhiên, một số chính trị gia nước này đang quan ngại việc nhập khẩu gạo sẽ gây ảnh hưởng đến người nông dân trồng lúa và họ đang kêu gọi chính phủ Indonesia xem xét lại quyết định mua 500 nghìn tấn gạo này của mình.
Nguồn: Tổng cục Hải quan. |
Trong khi đó, theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), dự báo lượng xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2022 sẽ đạt 7,5 triệu tấn nhờ nhu cầu tăng mạnh trong dịp Giáng sinh, năm mới và Tết Nguyên đán.
Về rau quả, theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Malaysia chia sẻ, Malaysia đã gỡ lệnh cấm nhập khẩu ớt Việt Nam từ tháng 4/2021. Tuy nhiên, nếu muốn nhập khẩu vào Malaysia thì trái ớt của Việt Nam phải được Bộ NN&PTNT xác nhận các khu canh tác ớt riêng, đủ đáp ứng yêu cầu.
Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng ớt tại Malaysia và Trung Quốc rất lớn. Các đơn đặt hàng, nhu cầu tiêu thụ đặc biệt sản phẩm ớt đến Thương vụ nhiều nhưng chưa tìm được nguồn cung tại Việt Nam đáp ứng đủ yêu cầu của Malaysia. Do đó các doanh nghiệp và người trồng ớt nên liên hệ với Bộ NN&PTNT để triển khai sớm.
Một mặt hàng khác có nhiều triển vọng là cao su, khi Tập đoàn ISRG của Singapore đã dự báo nhu cầu sử dụng cao su trên toàn thế giới sẽ tăng trưởng đều đặn 2,4% mỗi năm trong giai đoạn 2023 - 2031, tăng mạnh so với mức tăng trưởng 1,8% trong năm 2022. Đây là cơ hội rất tốt cho xuất khẩu cao su của Việt Nam, trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng lên trong thời gian tới.