Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Đạm Cà Mau công bố ngày 30/1, doanh thu bán hàng của DCM quý 4/2022 đạt 4.493 tỷ đồng, tăng 17% so với quý 4/2021. Khấu trừ các khoản giảm trừ doanh thu, DCM thu về 4.458 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14%.
Giá vốn trong quý của doanh nghiệp cũng tăng thêm 30% với 3.182 tỷ đồng (năm 2021 đạt 2.431 tỷ đồng). Kéo theo lợi nhuận gộp của doanh nghiệp còn đạt 1.276 tỷ đồng, giảm 13% so với quý 4/2021.
Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính của DCM ghi nhận tăng 47%, đạt 81 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 110%, đạt 253 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 39%... Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm 90%, từ 221 tỷ đồng quý 4/2201 xuống còn 22 tỷ đồng quý 4/2022.
Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của DCM quý 4/2022 còn đạt 1.003 tỷ đồng, giảm 8% so với kết quả 1.095 tỷ đồng đạt được trong quý 4/2021.
Cả năm 2022, Đạm Cà Mau mang về 15.924 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 61% so với năm 2021. Trong đó, doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn 400.000 tấn phân bón, tương ứng thu về 6.395 tỷ đồng (gấp 3 lần so với năm 2021).
Mặc dù quý 4/2022, tình hình lợi nhuận của DCM có phần giảm sút so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên nhờ vào sự tăng trưởng tốt của 3 quý còn lại trong năm (chủ yếu do giá phân bón tiêu thụ tăng cao) nên cả năm 2022 lợi nhuận sau thuế của Đạm Cà Mau vẫn tăng 134%, đạt 4.280 tỷ đồng.
Ngày 29/12 vừa qua, Đạm Cà Mau đã thông qua kế hoạch điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh năm 2022. Theo đó, doanh nghiệp nâng mức chỉ tiêu về lợi nhuận sau thuế từ 513 tỷ đồng lên 3.660 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được, lợi nhuận sau thuế của DCM cả năm 2022 vẫn vượt mục tiêu 16%.
Theo thông tin từ DCM, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp là đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hiện tại doanh nghiệp cũng tiếp cận các các thị trường quốc tế, trong đó DCM đã xác lập thị phần ở Campuchia (chiếm 30%), có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Ấn Độ, Pháp, Peru, Mexico, Croatia…
Đầu năm 2023, Đạm Cà Mau đã tiến hành xuất khẩu 2 đơn hàng với khoảng 40.000 tấn phân bón. Trong thời gian tới, Đạm Cà Mau cho biết sẽ vận dụng mọi cơ hội để hướng ra thị trường quốc tế, bao gồm Nam Mỹ và Phillippines. Tuy nhiên, thị trường quốc tế lại đòi hỏi cao ở sản phẩm mang công nghệ, dinh dưỡng cân bằng và an toàn bền vững cho môi trường.
“Tiến ra sân chơi lớn này, Đạm Cà Mau tập trung đáp ứng các yêu cầu để đảm bảo xuất khẩu tối đa và giữ mối liên kết dài lâu”, theo DCM.
Tại bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của DCM đạt 14.193 tỷ đồng, tăng 28% so với mức 7.276 tỷ đồng ngày đầu năm 2022. Trong đó, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn tăng thêm 398% với 2.124 tỷ đồng; tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng tăng 56%, đạt 6.812 tỷ đồng.
Hàng tồn kho của DCM tăng 9%, tương ứng đạt 2.411 tỷ đồng. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho lại ở mức -139 tỷ đồng (năm 2021 không có khoản ghi nhận khoản này).
Nợ của doanh nghiệp tính đến 31/12/2022 ở mức 3.572 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,6% so với số 3.594 tỷ đồng ngày đầu năm. Bao gồm phải trả cho người bán ngắn hạn tăng 28%, đạt 1.020 tỷ đồng (trả cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 529 tỷ đồng, chiếm 51%). Trong năm 2022, doanh nghiệp cũng ghi nhận thêm 762 tỷ đồng dự phòng tiền khí phải trả (năm 2021 không ghi nhận khoản này). Ở chiều ngược lại, khoản người mua trả tiền trước lại giảm 62%, đạt 106 tỷ đồng; chi phí phải trả ngắn hạn giảm 56%, đạt 553 tỷ đồng…
Trên sàn chứng khoán, chốt phiên 30/1, giá cổ phiếu DCM đạt 27.400 đồng/cp, tăng 0,9%.
Nhà máy Đạm Cà Mau chính thức được khởi công xây dựng vào năm 2008. Năm 2011, công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau được thành lập. Lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp là sản xuất và tiêu thụ phân bón. Năm 2015, DCM chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE.