Ảnh: Reuters |
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất ASEAN trong tháng 10/2023 đạt 49,6 điểm, không đổi so với tháng 9, cho thấy các điều kiện hoạt động sản xuất vẫn trong trạng thái suy giảm nhẹ tháng thứ hai liên tiếp.
Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm trong tháng 10, trong khi sản lượng vẫn đang xu thế tăng chậm. Báo cáo của S&P Global nhận định, các công ty đã giảm hoạt động mua hàng lần đầu tiên trong hơn hai năm, mặc dù mức giảm chỉ là nhẹ.
Hàng tồn kho tiếp tục giảm. Về khía cạnh giá cả, áp lực lạm phát được đánh giá là đã nhẹ hơn trong tháng 10. Cả chi phí đầu vào và giá bán hàng đều tăng yếu hơn so với mức trung bình trong dài hạn.
Trong số 7 quốc gia ASEAN được khảo sát, có 5 quốc gia có sức khỏe ngành sản xuất suy giảm. Đây là số lượng lớn nhất các quốc gia trong khu vực này có báo cáo PMI suy giảm kể từ tháng 8/2021.
MALAYSIA
Theo báo cáo của S&P Global, các nhà sản xuất Malaysia dẫn đầu về mức độ suy giảm tháng thứ tư liên tiếp. Chỉ số PMI ngành sản xuất của nước này trong tháng 10 đạt 46,8 điểm, không thay đổi so với tháng 9. Nhìn vào dữ liệu chính thức về sản xuất chế tạo, chỉ số PMI của nước này cho thấy sự trì trệ so với cùng kỳ năm trước.
Sự suy yếu của tiền tệ và giá nguyên liệu thô cao hơn đã làm tăng thêm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp của Malaysia, nhưng tỷ lệ lạm phát tương đối thấp. Tương tự, giá bán cũng chỉ tăng nhẹ trong tháng 10.
THÁI LAN
Chỉ số PMI ngành sản xuất của Thái Lan giảm từ 47,8 điểm trong tháng 9 xuống 47,5 điểm trong tháng 10. Với việc nằm dưới ngưỡng 50 điểm tháng thứ ba liên tiếp, PMI mới nhất của Thái Lan báo hiệu một sự suy giảm khác về điều kiện hoạt động và với tốc độ nhanh nhất trong hơn 2 năm rưỡi qua (kể từ tháng 2/2021).
Số lượng đơn đặt hàng mới giảm tháng thứ tư liên tiếp, tương tự, số lượng đơn hàng xuất khẩu mới cũng ghi nhận tháng giảm thứ hai.
Điều này được cho là do môi trường kinh tế trong và ngoài nước của Thái Lan ngày càng xấu đi, đồng thời các công ty cũng chứng kiến lượng khách hàng bị thu hẹp, góp phần làm giảm lượng việc làm mới. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất vẫn tiếp tục tăng vào đầu quý 4, mặc dù với tốc độ chậm nhất trong hơn hai năm.
SINGAPORE
Chỉ số PMI ngành sản xuất của nước này là 48,6 điểm trong tháng 10 (tăng từ 47,3 điểm của tháng 9), báo hiệu sự cải thiện vững chắc về điều kiện hoạt động của khu vực tư nhân tại Singapore. Tăng trưởng sản lượng được duy trì trong tháng 10 và tăng với tốc độ cao hơn mức trung bình. Tuy nhiên, nhu cầu bên ngoài vẫn yếu do số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ đại dịch.
MYANMAR
Chỉ số PMI ngành sản xuất của Myanmar giảm từ 50,1 điểm trong tháng 9 xuống 49 điểm trong tháng 10. Theo S&P Global, dữ liệu khảo sát mới nhất cho thấy các điều kiện hoạt động đang xấu đi trên toàn lĩnh vực sản xuất của Myanmar, khi chỉ số toàn phần lần đầu tiên rơi vào vùng thu hẹp kể từ tháng 1/2023.
Nguyên nhân chính của sự suy thoái là sự sụt giảm liên tục và nhanh chóng về số lượng đơn đặt hàng mới, dẫn đến sản lượng giảm tháng thứ hai liên tiếp. Dữ liệu tháng 10 cũng cho thấy số lượng việc làm giảm hàng tháng thứ 5 liên tiếp.
Tuy nhiên, điểm sáng của ngành sản xuất Myanmar trong tháng 10 là áp lực giá giảm bớt, một phần được thúc đẩy bởi điều kiện nhu cầu yếu hơn.
VIỆT NAM
Ngành sản xuất Việt Nam có mức suy giảm nhẹ trong tháng 10 và tốc độ suy giảm hầu như không thay đổi so với kỳ khảo sát trước. Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm nhẹ từ 49,7 điểm của tháng 9 xuống 49,6 điểm trong tháng 10.
Các công ty tiếp tục giảm sản lượng mặc dù xu hướng về số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng nhẹ tháng thứ ba liên tiếp, cho thấy các dấu hiệu cải thiện về nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, tốc độ tăng chỉ là nhẹ và là mức yếu nhất trong thời kỳ tăng hiện nay.
Điểm tích cực hơn trong tháng 10 chính là tình hình việc làm đã ổn định sau thời kỳ suy giảm và các công ty tiếp tục gia tăng hoạt động mua hàng với tâm lý lạc quan về triển vọng trong một năm tới. Việc làm hầu như không thay đổi vào đầu quý cuối của năm, từ đó kết thúc thời kỳ giảm việc làm kéo dài 7 tháng.
INDONESIA VÀ PHILIPPINES
Hai quốc gia ASEAN có sự cải thiện của sức khỏe ngành sản xuất là Indonesia và Philippines. Chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng 10 của hai nước này lần lượt là 51,5 điểm và 52,4 điểm.
Theo S&P Global, dữ liệu mới nhất cho thấy tốc tốc độ mở rộng lĩnh vực sản xuất của Indonesia đã chậm lại vào đầu quý 4. Sản xuất tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 6 trong bối cảnh tăng trưởng số lượng đơn đặt hàng mới yếu hơn và doanh số xuất khẩu giảm. Các công ty cũng giải quyết các đơn hàng tồn đọng và giảm nhẹ số lượng nhân viên trong bối cảnh áp lực năng lực giảm.
Tuy nhiên, hoạt động mua hàng vẫn tăng, dẫn đến lượng hàng tồn kho cao hơn. Trong khi đó, áp lực chi phí tăng lên bất chấp những hạn chế về nguồn cung đã giảm bớt. Tuy nhiên, nỗ lực kích cầu bán hàng đã khiến giá bán tăng chậm hơn.
Đối với Phlippines, dữ liệu mới nhất cho thấy các điều kiện hoạt động ở các công ty sản xuất nước này đã được cải thiện với tốc độ nhanh nhất trong bảy tháng.
Xu hướng tăng mới nhất trong ngành sản xuất của Philippines được hỗ trợ bởi số lượng đơn đặt hàng và sản lượng của nhà máy tăng nhanh hơn. Sản lượng tăng tháng thứ 14 liên tiếp trong tháng 10. Hơn nữa, tốc độ tăng là nhanh nhất trong 5 tháng. Ngoài ra, áp lực lạm phát đã hạ nhiệt trong giai đoạn khảo sát gần đây nhất, với cả chi phí đầu vào và phí đầu ra đều tăng với tốc độ chậm hơn mức trung bình lịch sử tương ứng.
Báo cáo của S&P Global nhận xét, sự suy giảm của chỉ số PMI khu vực ASEAN trong tháng 10 bắt nguồn từ tình hình nhu cầu giảm, tác động làm số lượng đơn đặt hàng mới giảm tháng thứ hai liên tiếp. Mặc dù vậy, sản lượng tại các nhà sản xuất ASEAN tiếp tục tăng, một phần nhờ số lượng đơn đặt hàng đã tăng trong hầu hết thời gian của năm 2023 và từ đó khiến lượng công việc tồn đọng giảm đáng kể.
Bình luận về dữ liệu chỉ số PMI ngành sản xuất ASEAN, bà Maryam Baluch, Chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận định: "Dữ liệu kỳ này cho thấy sản lượng đã tăng với tốc độ yếu nhất trong 25 tháng. Tuy nhiên, mức tăng sản lượng lần này nhìn chung đã được hỗ trợ bằng mức tăng của số lượng đơn đặt hàng mới trong hầu hết thời gian của năm 2023, khi số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm tháng thứ hai liên tiếp. Nếu nhu cầu tiếp tục giảm, chúng ta có thể thấy các nhà sản xuất giảm sản lượng trong những tháng tới".
Bà cũng cảnh báo rằng, nhìn về tương lai, lực cản từ nền kinh tế thế giới tiếp tục phủ bóng lên triển vọng ngành sản xuất, bao gồm việc phục hồi kinh tế chậm chạp ở Trung Quốc và tác động theo sau của chính sách thắt chặt tiền tệ trong đa số các quốc gia ASEAN và những nơi khác. Mặt khác, áp lực lạm phát giảm bớt cũng sẽ giúp hỗ trợ cho doanh số bán hàng và phục hồi nhu cầu.