Theo đó, từ ngày 24 tháng 01 năm 2022, có 6 cửa khẩu cảng biển sẽ được làm thủ tục nhập khẩu ôtô chở người dưới 16 chỗ ngồi về Việt Nam gồm Cái Lân (Quảng Ninh), Hải Phòng, Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Bộ Công Thương, thông tư này không áp dụng đối với các trường hợp nhập khẩu, tạm nhập tái xuất của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
6 cửa khẩu này không làm thủ tục cho các xe ô tô nhập khẩu phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nhập khẩu phục vụ các mục đích cá biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tạm nhập khẩu để trưng bày tại hội chợ, triển lãm và sau đó tái xuất khẩu; nhập khẩu để nghiên cứu khoa học, thử nghiệm; quá cảnh với các nước có chung đường biên giới và kinh doanh chuyển khẩu.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11, lượng ôtô nguyên chiếc được nhập về Việt Nam đạt 144.971 chiếc, kim ngạch đạt 3,229 tỷ USD, tăng 58,2% (tương đương 1.198 tỷ USD).
Nguồn: Tổng cục Hải quan |
Trong tháng 11/2021, tổng lượng ôtô được nhập về Việt Nam khoảng 15.356 xe, kim ngạch đạt 340 triệu USD, giảm 2.5 % so với cùng kỳ (tương đương 67 triệu USD). Trong đó, ôtô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ 3 thị trường chính là từ Thái Lan, Indonesia và từ Trung Quốc.
Cụ thể, xe nhập từ Indonesia với số lượng 4.130 xe, từ Thái Lan với số lượng là 8.224 xe; 2 thị trường này chiếm 80% số lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 211 triệu USD. Các dòng xe nhập khẩu từ 2 thị trường này bao gồm các thương hiệu như Toyota, Mistubishi, Honda…
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu ôtô nhiều thứ 3 vào Việt Nam với số lượng là 2.226 xe trong tháng 11/2021, đạt 87,2 triệu USD, vượt qua cả thị trường Indonesia dù số lượng chỉ bằng 50%.