Người tiêu dùng Việt tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Phát biểu tại sự kiện, bà Đặng Thúy Hà cho biết, người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang cắt giảm chi tiêu từ ngắn hạn sang dài hạn do họ đang gặp áp lực về việc chi phí sinh hoạt tăng, buộc phải cắt giảm chi tiêu các mặt hàng tùy ý để cân bằng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu.
Để minh chứng rõ nét hơn, bà Hà dẫn báo cáo mới đây của NielsenIQ Việt Nam, người trẻ tại Việt Nam (18-25 tuổi) cải thiện tình hình tài chính bằng cách tăng thu nhập và chi tiêu tiết kiệm hơn, nhóm người lớn tuổi (46-55 tuổi) có xu hướng cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không cần thiết.
Trong quý 1/2024, có 62% người tiêu dùng Việt Nam cũng lựa chọn nấu ăn tại nhà nhiều hơn và thắt chặt cho các mặt hàng không cần thiết để tiết kiệm. Khoảng 50% người dùng đã giảm bớt mua sắm những món đồ sang trọng, hơn 30% hoãn các chi phí lớn. Khoảng 40% người tiêu dùng đang chi tiêu cẩn trọng hơn do không biết rủi ro gì có thể xảy ra trong tương lai.
Đồng thời, người dùng Việt đang có xu hướng mua sắm trực tuyến để tận dụng ưu đãi và có sự so sánh về giá cả giữa các sản phẩm, chuyển sang lựa chọn sản phẩm có mức giá thấp hơn. Đó chính là khó khăn đối với doanh nghiệp trong việc giữ chân khách hàng.
"Duy trì lòng trung thành của người tiêu dùng sẽ là một thách thức trong năm 2024. Thị trường, nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng thay đổi theo thời gian. Người tiêu dùng cho rằng, họ cần chi tiêu cẩn trọng hơn vì vẫn còn nhiều khó khăn phía trước và tình hình này sẽ kéo dài ít nhất từ 6 tháng cho đến một năm nữa. Do đó,doanh nghiệp cần theo dõi các xu hướng mới nhất để hiểu rõ những gì người tiêu dùng muốn và cần, tập trung vào những nhu cầu thiết yếu và sản phẩm có giá trị thực sự".
Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc khối kinh doanh Kantar Việt Nam cho biết, xu hướng mua sắm hiện đại và đa kênh khiến cho các nhà sản xuất ngày càng khó thu hút và giữ chân khách hàng.
Đại diện Kantar Việt Nam phân tích, sau đại dịch Covid-19, người dân đã hình thành thói quen mua sắm mới. Người tiêu dùng đang giảm tần suất mua sắm nhưng lại mua tại nhiều kênh hơn với mức chi tiêu trung bình cho mỗi lần mua sắm cũng tăng lên. Ước tính, tần suất mua sắm của người dùng Việt Nam đã giảm 15% so với thời điểm trước Covid-19. Điều này khiến việc thu hút và xây dựng lòng trung thành của khách hàng cũng như việc nắm bắt nhu cầu, thói quen mua sắm, tiêu dùng trở nên khó khăn hơn đối với doanh nghiệp do ít được tiếp cận với người tiêu dùng.
Những thay đổi này mang tới nhiều thách thức và biến động, buộc doanh nghiệp thay đổi chiến lược để tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn, cung cấp các giải pháp phù hợp và tạo sự hài lòng cho người tiêu dùng.
Theo bà Nga, người dùng Việt Nam ngày càng xem việc tìm kiếm ưu đãi trực tuyến như một cách hiệu quả để cắt giảm chi tiêu cho việc mua sắm hàng tạp hóa. Hơn nữa, tốc độ hiện đại hóa nông thôn đang dần bắt kịp thành thị nhờ mức thu nhập và chất lượng sống nâng cao. Sự thâm nhập của các kênh trực tuyến sẽ mở ra nhiều cơ hội để tiếp cận với người mua sắm tại nông thôn một cách nhanh chóng.
Đứng trước thách thức về thị trường cũng như thị phần, việc thắt chặt chi tiêu, thay đổi thị hiếu của người dùng, ông Tạ Mạnh Cường, Trưởng phòng Xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương) kiến nghị, doanh nghiệp cần nắm bắt các quy định, chính sách, pháp luật trong nước, quốc tế về tiêu dùng. Xác định xu hướng, hành vi tiêu dùng theo từng ngành hàng.
Để làm được điều này, cần bám sát các nguồn dữ liệu nghiên cứu thị trường uy tín, với những phân tích cụ thể, sâu sát các biến động trong hành vi người tiêu dùng chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra lời giải đúng cho bài toán trên. Từ đó gia tăng sức cạnh tranh, bứt phá thành công.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Hùng Cường, Phó tổng giám đốc FPT Digital cho rằng, doanh nghiệp nên tận dụng sự phát triển của các công nghệ mới để tạo ra các cơ hội chuyển đổi hoạt động bán lẻ. Chẳng hạn, việc sử dụng dữ liệu giúp doanh nghiệp siêu cá nhân hóa bán lẻ, cho phép hoạt động mua sắm có thể tương tác theo thời gian thực và đề xuất sản phẩm phù hợp nhất của khách hàng, tăng khả năng mua hàng, giảm tỷ lệ hoàn hàng.
"Hiện hành trình mua sắm ngày càng phức tạp, đa kênh. Người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng các loại hình bán lẻ hiện đại và tiện lợi. Nhà sản xuất cần có một chiến lược bán hàng đa kênh và tạo ra một trải nghiệm mua sắm xuyên suốt để thu hút và giữ chân người mua," ông Cường phân tích.