9 nhóm hàng đẩy CPI tháng 2/2024 tăng 1,04%

CPI Việt nAM
11:38 - 29/02/2024
Ảnh minh họa: Quách Sơn.
Ảnh minh họa: Quách Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn rơi vào tháng 2/2024 đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, cùng với đó, giá gạo, giá xăng dầu, giá gas tăng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này tăng 1,04% so với tháng trước.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/2, trong mức tăng 1,04% của CPI tháng này so với tháng trước đó (MoM), có 9 nhóm hàng tăng giá, 2 nhóm hàng giảm giá.

Đáng chú ý, nhóm giao thông có chỉ số giá tăng cao nhất với 3,09%, tác động làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu do:

Chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 15,48% do nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, trong đó giá vận tải hành khách bằng đường sắt tăng 151,75%; giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 39,07%; vận tải hành khách kết hợp tăng 7,29%; vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 5,7%.

Chỉ số giá xăng tăng 5,82% so với tháng trước, chỉ số giá dầu diesel tăng 5,51%, do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.

Dịch vụ rửa xe, bơm xe tăng 2,47% do chi phí nhân công và nhu cầu tăng trong dịp cuối năm; dịch vụ trông giữ xe tăng 1,86%; dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,52%.

Giá lốp, săm xe máy tăng 0,21%; phụ tùng khác của xe máy tăng 0,15%.

Trong dịp Tết Nguyên đán, do nhu cầu mua sắm và ăn uống tăng cao, nên các nhóm hàng như hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đồ uống và thuốc lá, văn hóa - giải trí và du lịch đều là những nhóm hàng nằm trong Top có chỉ số giá tăng cao so với tháng trước.

Ngược lại, nhóm giáo dục tiếp tục là nhóm hàng có chỉ số giảm mạnh nhất, với mức giảm 0,42% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí theo Nghị quyết số 97 ngày 31/12/2023 của Chính phủ.

So với cùng kỳ năm trước (YoY), CPI tháng 2/2024 tăng 3,98%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá và 1 nhóm giảm giá.

Dẫn đầu là nhóm giáo dục với mức tăng cao nhất 8,55%, tác động làm CPI chung tăng 0,53 điểm phần trăm, do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Tiếp đó là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,52%, làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22 của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,49%, trong đó lệ phí công chứng, bảo hiểm và dịch vụ khác tăng 12,59%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 8,99%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 5,31%; dịch vụ về hiếu hỉ tăng 3,1%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,95%, làm CPI chung tăng 0,93 điểm phần trăm do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và giá nhà ở thuê tăng.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,23%, tác động làm CPI chung tăng 1,42 điểm phần trăm, trong đó nhóm lương thực tăng 17,36%; ăn uống ngoài gia đình tăng 4,2%; thực phẩm tăng 2,14%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,64% làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và giá nguyên liệu sản xuất đồ uống, chi phí vận chuyển tăng.

Nhóm giao thông tăng 2,55% làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm, trong đó phụ tùng tăng 1,87%, bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 3,7%; xăng dầu tăng 0,66%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng hai tăng 1,71% so với cùng kỳ năm trước; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,64%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,31%.

Riêng chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông tháng 2/2024 giảm 1,48% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

So với tháng 12/2023, CPI tháng 2/2024 tăng 1,35%.

Bình quân 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,67% so với cùng kỳ năm 2023. Theo Tổng cục Thống kê, những nguyên nhân chính làm tăng CPI 10 tháng 2023 gồm:

Chỉ số giá nhóm gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Lễ ông Công, ông Táo và Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 2 tháng đầu năm 2024 tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,55 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 9,44% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với từ ngày 4/5/2023 và ngày 9/11/2023, EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, góp phần làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm giáo dục 2 tháng đầu năm 2024 tăng 8,47% so với cùng kỳ năm trước, do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,52 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,52%, làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22 của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.

Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,66% do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá nhà thuê tăng, làm CPI chung tăng 1,07 điểm phần trăm.

Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,89%, làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm, trong đó chỉ số giá thịt gia cầm tươi sống tăng 2,37%; thịt lợn tăng 1,13%; theo đó giá thịt chế biến tăng 2,56%, mỡ ăn tăng 1,54%.

Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,3%, góp phần làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra lạm phát cơ bản tháng 2/2024 tăng 0,49% so với tháng trước và tăng 2,96% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 2,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,67%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Trong nước, do nhu cầu mua vàng lấy may trong ngày Thần Tài tăng làm chỉ số giá vàng tháng 2/2024 tăng 2,01% so với tháng trước; tăng 4,61% so với tháng 12/2023; tăng 16,67% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 16,05%.

Giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.115 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 2/2024 tăng 0,4% so với tháng trước; tăng 0,92% so với tháng 12/2023; tăng 3,89% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 2 tháng đầu năm 2024 tăng 3,79%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi giảm 92% trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi giảm 92% trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.