Ảnh minh họa: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Nửa đầu tháng 7/2024 (1/7 – 15/7), Việt Nam nhập siêu 0,2 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,4 tỷ USD. Trong đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đạt 16,2 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước (YoY); nhập khẩu đạt 16,4 tỷ USD, tăng 21,4% YoY.
36 mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng về kim ngạch
Nhìn chung, các mặt hàng xuất khẩu nửa đầu tháng 7/2024 của Việt Nam đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ, ngoại trừ 9 mặt hàng có đà giảm về giá trị. Dầu thô là mặt hàng có mức giảm lớn nhất với -83% YoY, đạt 19 triệu USD. Mức giảm về kim ngạch của dầu thô diễn ra cùng với hướng giảm của lượng khi nửa đầu tháng 7 Việt Nam chỉ xuất khẩu 26.315 tấn, tương ứng giảm 85% YoY.
Xăng dầu xuất khẩu cũng giảm 39%, còn 41 triệu USD; lượng cũng giảm từ 87.502 tấn xuống còn 50.523 tấn.
Các mặt hàng khác ghi nhận đà giảm bao gồm thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 39% YoY về giá trị, còn 40 triệu USD; quặng và khoáng sản khác giảm 23% YoY, còn 11 triệu USD; clinker và xi măng giảm 21% YoY, đạt 47 triệu USD.
Sản phẩm từ cao su cũng giảm nhẹ 4%, còn 47 triệu USD; giấy và sản phẩm từ giấy đạt 80 triệu USD, giảm nhẹ 0,2% YoY; đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 19%, còn 22 triệu USD; phương tiện vận tải, phụ tùng giảm 2% YoY, đạt 608 triệu USD.
Trái với đà giảm của các mặt hàng trên, than xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh về giá trị xuất khẩu từ 0,1 triệu USD cùng kỳ năm trước lên 3,3 triệu USD. Lượng than xuất khẩu tăng từ 433 tấn lên 16.752 tấn. Thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 55% YoY, đạt 54 triệu USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 60% YoY, đạt 279 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất như điện tử, dệt may cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,63 tỷ USD, tăng 4% YoY; điện thoại và linh kiện với 2,43 tỷ USD, tăng tới 48% YoY; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác cũng tăng 38% YoY, đạt 2,16 tỷ USD; hàng dệt may tăng 6% YoY, đạt 1,65 tỷ USD.
Trong nhóm may mặc, xuất khẩu giày dép đạt 969 triệu USD, tăng 9,5% YoY; nguyên phụ liệu dệt may, da giày đạt 90 triệu USD, tăng 15% YoY...
Trong nhóm nông, thủy sản, nửa đầu tháng 7/2024, Việt Nam xuất khẩu gạo mang về 177 triệu USD, tăng 30% YoY; rau quả với 238 triệu USD, tăng nhẹ 0,5% YoY; hạt điều với 196 triệu USD, tăng 39% YoY. Hàng thủy sản xuất khẩu cũng tăng 13% YoY, lên mức 418 triệu USD; cà phê đạt 158 triệu USD, tăng 4% YoY; hạt tiêu đạt 61 triệu USD, tăng 137% YoY; chè với 12 triệu USD, tăng 51% YoY; sắn với 53 triệu USD, tăng 27% YoY.
Chi gần 5 tỷ USD để nhập khẩu một mặt hàng
Nửa đầu tháng 7/2024, hai mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam có kim ngạch trên 1 tỷ USD với tổng giá trị 7 tỷ USD, chiếm 42% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch cao nhất với 4,96 tỷ USD, tăng tới 32% so với cùng kỳ năm trước, đây cũng là mặt hàng nhập khẩu duy nhất đạt trên 4 tỷ USD. Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác là mặt hàng lớn thứ hai với 2,04 tỷ USD, tăng 19% YoY.
Trong nhóm điện tử, Việt Nam còn chi 467 triệu USD để nhập khẩu điện thoại và linh kiện, tăng 63% YoY; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện với 100 triệu USD, tăng 24% YoY; hàng điện gia dụng và linh kiện với 84 triệu USD, tăng 10% YoY.
Nửa đầu tháng 7/2024, Việt Nam chi 161 triệu USD để nhập khẩu 8.154 chiếc ô tô, tăng lần lượt 19% về trị giá và 51% về lượng so với cùng kỳ năm trước.
Trong nhóm may mặc, Việt Nam chi 603 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng vải, tăng 20% YoY; chi 282 triệu USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày, tăng 12% YoY; xơ sợi dệt các loại với 123 triệu USD, tăng 45% YoY.
Trong nhóm nông nghiệp, Việt Nam chi 143 triệu USD để nhập khẩu ngô, tăng tới 174% YoY; chi 174 triệu USD nhập khẩu hạt điều, giảm 5% YoY; hàng rau quả với 100 triệu USD, tăng gần 10% YoY...
Trong 53 mặt hàng nhập khẩu chính nửa đầu tháng 7/2024, 12 mặt hàng nhập khẩu ghi nhận kim ngạch giảm và 41 mặt hàng tăng về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đậu tương là mặt hàng có kim ngạch tăng cao nhất với +615%, từ 7,1 triệu USD lên 50,8 triệu USD. Ngược lại, thức ăn gia súc và nguyên liệu có đà giảm lớn nhất với -33% YoY.