Một công nhân múc gạo cho vào bao đựng, ngày 10/8. Ảnh: AP |
CNA đưa tin, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết Ấn Độ và Singapore có mối quan hệ đối tác chiến lược rất chặt chẽ, đặc trưng bởi lợi ích chung, quan hệ kinh tế chặt chẽ và kết nối nhân dân mạnh mẽ.
“Xét về mối quan hệ đặc biệt này, Ấn Độ đã quyết định cho phép xuất khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực của Singapore. Lệnh chính thức về vấn đề này sẽ sớm được ban hành”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ.
Bắt đầu từ ngày 20/7, Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo phi basmati với hiệu lực ngay lập tức nhằm kiểm soát giá lương thực nội địa tăng cao. Theo tuyên bố từ Bộ Các vấn đề Người tiêu dùng Ấn Độ, lệnh cấm này là nhằm đảm bảo thị trường trong nước “có đủ gạo” cũng như phần nào “làm dịu đà tăng giá” của các sản phẩm gạo trắng không phải gạo bamasti.
Là nước xuất khẩu gạo hàng đầu và chiếm hơn 40% thương mại gạo trên thế giới, bất kỳ sự sụt giảm nào trong số lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ đều sẽ gây ảnh hưởng lên giá lương thực toàn cầu.
Công ty phân tích nông nghiệp Gro Intelligence nhận định rằng lệnh cấm có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào gạo. Báo cáo của Go Intelligence cho biết: “Các điểm đến hàng đầu của gạo Ấn Độ bao gồm Bangladesh, Trung Quốc, Benin và Nepal. Các nước châu Phi khác cũng nhập khẩu một lượng lớn gạo Ấn Độ”.
Singapore cũng sẽ nằm trong số các nước bị ảnh hưởng do gạo phi basmati từ Ấn Độ chiếm khoảng 17% lượng gạo nhập khẩu của Singapore, theo dữ liệu của Cơ quan Lương thực Singapore (SFA). Riêng trong năm 2022, nguồn cung gạo từ Ấn Độ chiếm khoảng 40% lượng gạo nhập khẩu của quốc gia Đông Nam Á này.
Trước tình huống bị ảnh hưởng tiềm năng từ lệnh hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ, SFA cho biết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với hơn 30 quốc gia xuất khẩu gạo để tăng cường nguồn cung. Ngoài ra, cơ quan này hôm 28/7 cho biết Singapore đang liên hệ chặt chẽ với chính quyền Ấn Độ để xin miễn trừ lệnh cấm xuất khẩu gạo phi basmati.
Theo CNA, kể từ ngày 1/9, Ấn Độ cũng sẽ mở rộng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo với mức thuế 20% đối với gạo đồ, có hiệu lực cho đến ngày 15/10.