Diễn đàn Chuyển đổi số: Nhanh hơn, thông minh hơn, xanh hơn. Ảnh: Hà Anh |
Chuyển đổi kép - xu hướng quan trọng trong tương lai
Những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu hay mô hình kinh tế dựa trên lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên đang dần mất lợi thế cạnh tranh, do đó Việt Nam có nguy cơ bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình và già hoá dân số.
Thách thức này đòi hỏi Việt Nam phải tìm kiếm những mô hình, động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Trên thế giới, chuyển đổi số được các chuyên gia xem là một giải pháp để doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng theo các mô hình xanh, bền vững. Bởi kinh tế xanh và bền vững đang trở thành con đường phát triển của nhiều quốc gia.
Phát biểu tại Diễn đàn Chuyển đổi số: Nhanh hơn, thông minh hơn, xanh hơn do báo Đầu tư tổ chức ngày 21/3, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, "chuyển đổi kép" có nghĩa là chuyển đổi số để chuyển đổi xanh. Khái niệm này được Liên minh châu Âu đánh giá là một xu hướng quan trọng trong tương lai.
"Bên cạnh chủ trương về thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới nền kinh tế số, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng sẽ đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Đây được xem là định hướng xuyên suốt mà Việt Nam theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững."
Chuyển đổi kép mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp
Tại sự kiện, các chuyên gia cũng chỉ ra 3 trong số 8 lĩnh vực Việt Nam cần ưu tiên "chuyển đổi kép" là ngành sản xuất, tài chính - ngân hàng và logistics.
Đối với ngành sản xuất, sử dụng các công nghệ số sẽ tối ưu hoá quy trình, theo dõi và quản lý hoạt động của doanh nghiệp mình một cách chính xác và hiệu quả hơn. Từ đó, giảm thiểu lượng chất thải, hàng tồn kho gây thất thoát trong vận chuyển, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thông qua việc phát hiện sớm các nguy cơ môi trường.
Trong thương mại điện tử, chuyển đổi số mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và khách hàng với việc tạo ra các trải nghiệm mua sắm trực tuyến tốt hơn nhờ công nghệ như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu và chatbot để tương tác với khách hàng nhằm đẩy nhanh thời gian thực hiện nhằm giảm chi phí và tăng hiệu quả, đặc biệt trong hoạt động marketing (tiếp thị), thanh toán trực tuyến…
Với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, chuyển đổi số giải quyết được tình trạng lãng phí tài nguyên, giảm thiểu tiêu hao năng lượng và tác động đến môi trường, đồng thời rút ngắn thời gian chờ đợi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhờ các công nghệ số. Như vậy, ngành ngân hàng trở nên xanh hơn, nhanh và thông minh hơn.
Để minh chứng rõ nét hơn, ông Bryan Carroll, Giám đốc điều hành ngân hàng thuần số TNEX cho biết, mô hình vận hành ngân hàng truyền thống đang quá đắt, lãi suất và chi phí đang ở mức cao khiến khách hàng không được thụ hưởng được từ dịch vụ đó.
Tôi tới Việt Nam năm 2019 với ý tưởng xây dựng một ngân hàng thuần số để tiếp cận lớp trẻ - đối tượng chưa thụ hưởng dịch vụ ngân hàng. Đồng thời tạo ra một ngân hàng không phát thải carbon đầu tiên tại Việt Nam.
"Với ngân hàng thuần số, lượng carbon thải ra chỉ dừng lại ở mức 0,3 tấn/năm. Đây là con số rất nhỏ so với mô hình ngân hàng truyền thống", CEO Bryan Carroll nhấn mạnh.
Ngoài ra, về phía doanh nghiệp, ông Urs Kloeti, Giám đốc nhà máy Nestlé Bông Sen cho rằng, chuyển đổi số đã giúp công ty nâng cao năng suất lao động và giảm phát thải khí CO2.
Chuyển đổi số giảm 60% thời gian tạm dừng sản xuất, giúp tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm bằng cách tối ưu hoá các cảm biến thông minh và số hoá dữ liệu. Đồng thời giảm 50% lượng giấy tiêu thụ trong nhà máy và 20% chi phí bảo dưỡng thông qua các cảm biến dự báo nhờ vào các kỹ thuật viên và cán bộ điều hành.
"Nhờ chuyển đổi số, Nestlé đã tận dụng được các tiềm năng về hiệu suất cũng như các cơ hội phát triển bền vững. Về kết quả đạt được, chúng tôi đạt mức giảm phát thải CO2 lên tới 38.000 tấn/năm", ông Kloeti nêu rõ.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong sản xuất đã giúp Nestlé trong việc số hóa dữ liệu và mang lại nhiều lợi ích. Nhờ chuyển đổi số, Nestlé tận dụng được các tiềm năng về hiệu suất cũng như các cơ hội phát triển bền vững.