Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng ngày 4/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhóm vấn đề thứ 2 liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Đại biểu Lý Văn Huấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên chất vấn về giải pháp thúc đẩy nền tảng số, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số là giải pháp đột phá để thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Đại biểu cũng đặt câu hỏi về thực trạng "chảy máu chất xám" ngành công nghệ thông tin hiện nay.
Trả lời đại biểu Lý Văn Huấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ Chính phủ đã xác định nền tảng số là giải pháp đột phá của chuyển đổi số Việt Nam. Theo ông, nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trong thế giới thực, nếu không làm chủ các nền tảng số thì người dân Việt Nam sẽ sinh hoạt, kinh doanh, vui chơi, giải trí trên các nền tảng số nước ngoài, dẫn đến dữ liệu bị thu thập. Trong khi dữ liệu số được gọi là tài nguyên của Việt Nam.
Vì vậy Bộ Thông tin Truyền thông đặt trọng tâm phát triển các nền tảng số của Việt Nam. Năm 2022 đã cơ bản xây dựng xong, đưa vào hoạt động khai thác 52 nền tảng số Việt Nam.
"Giải pháp tiếp theo là gì? Tôi nghĩ, có việc thì sẽ có người, có việc khó thì sẽ có người giỏi, có việc vĩ đại thì có người vĩ đại. Người ở đây được hiểu là con người và doanh nghiệp. Chúng ta đã công bố các bài toán chuyển đổi số quốc gia ở cả Trung ương, địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cả một nền tảng công bố các bài toán chuyển đổi số và các giải pháp chuyển đổi số, mỗi năm tổ chức đánh giá, trao thưởng", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Về vấn đề chảy máu chất xám, nhân tài công nghệ thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, rất nhiều quốc gia coi nhân tài là nguồn lực cơ bản của đất nước, là yếu tố quyết định trong việc làm chủ khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ. Hiện đã có những tín hiệu tích cực như nhiều doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao trả mức lương tương đương các công ty nước ngoài, thu hút được người lao động đang làm cho công ty nước ngoài, ở nước ngoài về Việt Nam làm việc.
Theo Bộ trưởng, Đảng và Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút nhân tài. "Vấn đề này cần được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới bởi nhân tài là yếu tố quyết định trong việc làm chủ khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ".
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Đinh Công Sỹ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho biết, Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030 với trách nhiệm được giao là chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các nền tảng, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Đại biểu đặt câu hỏi liệu doanh nghiệp đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của ngành đối với việc thực hiện các mục tiêu đề ra của Đề án hay không?
Giải đáp băn khoăn của đại biểu về đào tạo nhân lực thông tin và chuyển đổi số trong đó có hạ tầng cho ngành giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, hiện nay cáp quang đã được đưa đến 93% thôn bản. Việt Nam là một trong số ít các nước có tỷ lệ cao như vậy, trong khi giá dịch vụ viễn thông cũng nằm trong Top 20 rẻ nhất trên thế giới.
Bên cạnh điều kiện đó, Bộ trưởng cũng khẳng định các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được tốt các yêu cầu với giá rẻ hơn so với nước ngoài. "Doanh nghiệp Việt Nam còn làm chuyển đổi số cho các nước Mỹ, Nhật, cớ gì không làm được cho Việt Nam", ông đặt câu hỏi.
Cách đây 4 năm, số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam dưới 40.000, hiện nay tiến đến con số 75.000 và mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 2025 Việt Nam có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số.
"Hãy tin vào doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, trao cho họ nhiều cơ hội hơn, đây là cách tự lực, tự cường để các doanh nghiệp công nghệ số phát triển mạnh hơn nữa", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.