Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng. Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN. |
Chiều 6/7, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024, báo chí đặt câu hỏi, từ ngày 1/7 áp dụng sinh trắc học để thực hiện chuyển khoản với giao dịch trên 10 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người dùng phản ánh gặp rất nhiều khó khăn, việc áp dụng sinh trắc học vẫn gặp vướng mắc.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay có bao nhiêu tài khoản thực hiện được sinh trắc học, chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng số tài khoản hiện nay và Ngân hàng Nhà nước có giải pháp nào nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trước những lo ngại về rủi ro lừa đảo sinh trắc học hoặc nguy cơ lộ lọt thông tin.
Trả lời báo chí, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho hay, Quyết định 2345/QĐ-NHNN có mục đích đầu tiên là làm sạch tài khoản ngân hàng.
"Trước kia khi dùng chứng minh thư cùng nhiều giấy tờ khác để mở tài khoản ngân hàng, đã có rất nhiều kẻ gian lợi dụng để mở tài khoản. Nhưng nay, khó ai có thể nói dùng giấy tờ giả để mở tài khoản. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công an làm sạch tài khoản và giao dịch trên 10 triệu sẽ yêu cầu khách hàng thực hiện bước sinh trắc học," ông Dũng nói.
Phó Thống đốc thông tin thêm, cách thức kiểm tra sinh trắc học rất đơn giản. Đó là so sách người thực hiện giao dịch với khuôn mặt để kiểm tra đối chiếu với cơ sở dữ liệu, nếu khớp đúng thì cho thực hiện.
''Chúng tôi thống kê bình quân trong tháng 6 lượng giao dịch trên 10 triệu chiếm 8% số lượng giao dịch, bình quân một ngày từ 1,8-2 triệu giao dịch này," Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nói.
Thông tin về kết quả thực hiện, ông Dũng cho biết tính đến hết ngày 5/7, các ngân hàng thương mại đã đối chiếu làm sạch từ căn cước công dân được 19 triệu tài khoản.
Chia sẻ về qua trình thực hiện, theo Phó Thống đốc, trong ngày đầu tiên triển khai có trục trặc nhất định, do đông người vào hệ thống. Đến các ngày mùng 2, 3, 4, 5/7, hệ thống đã hoạt động bình thường. Ngân hàng Nhà nước thống kê chính xác được 19 triệu tài khoản, trong đó có 10% số người được ngân hàng hỗ trợ trực tiếp tại quầy.
Việc hỗ trợ tại quầy nhằm phục vụ người không có căn cước công dân gắn chip, chỉ có chứng minh thư và căn cước cũ. Bên cạnh đó, có những khách hàng không có điện thoại NFC và ngân hàng giúp khách hàng thực hiện.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, giao dịch ngày hôm qua 5/7 đạt đỉnh trong hệ thống điện tử liên ngân hàng là 26,3 triệu giao dịch, lớn nhất trong 10 ngày gần đây. Trong đó, 8,35% là giao dịch trên 10 triệu đồng.
Về bảo mật thông tin, Luật Tổ chức tín dụng có quy định trách nhiệm của ngân hàng về bảo mật thông tin; Luật An ninh mạng và Nghị định 13 cũng có quy định về bảo vệ thông tin. Khi ngân hàng làm, phải tuân thủ tất cả quy định để đảm bảo an ninh, an toàn. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có thông tư đảm bảo an ninh, an toàn, sự hoạt động liên tục, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Với giao dịch trên 10 triệu đồng, chỉ cần thêm một bước sinh trắc học, còn mọi bước bảo mật khác vẫn như cũ để đảm bảo ngăn chặn tình trạng không chính chủ.
Cũng theo Phó Thống đốc, không có giải pháp nào là an toàn tuyệt đối. Do đó, cần nâng cao cảnh giác, khuyến cáo các thủ đoạn mới và đề nghị các cơ quan cùng ngân hàng phổ biến thông tin tới người dân.
"Hiện nay, có trên 90% giao dịch được thực hiện trên môi trường số. Bên cạnh thông tin khách hàng, trong dữ liệu còn có số dư, số tiết kiệm… nên hoạt động đảm bảo an ninh an toàn luôn được đặt ở vị trí cốt lõi và hàng đầu của hệ thống ngân hàng," ông Dũng nói.
Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng ghi nhận mọi khó khăn vướng mắc của người dùng và có giải pháp xử lý, liên tục nâng cấp ứng dụng mobile banking để ứng phó với thủ đoạn mới, liên tục cập nhật để đảm bảo an ninh an toàn hệ thống, ông Dũng nhấn mạnh.