Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Việt Nam xếp thứ 8 trong Top 10 quốc gia tiêu biểu chuyển đổi IPv6
Tại hội nghị triển khai Kế hoạch chuyển đổi IPv6, IPv6 for Gov năm 2024 diễn ra ngày 3/4, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định, Việt Nam đang đi đúng hướng trong công tác chuyển đổi sang IPv6.
Thứ trưởng Dũng dẫn số liệu từ Trung tâm Internet Việt Nam cho thấy, hiện tỷ lệ sử dụng IPv6 tại Việt Nam đạt trên 60%, đứng thứ 8 trong Top 10 quốc gia tiêu biểu chuyển đổi IPv6 trên toàn cầu.
Các nhà mạng, đặc biệt là 4 doanh nghiệp lớn VNPT, Viettel, MobiFone và FPT, đã triển khai mạng lõi, dịch vụ khách hàng với IPv6. Theo báo cáo từ các nhà mạng, đến nay đã có 76,5 triệu thuê bao Internet băng rộng sử dụng IPv6, gồm cả thuê bao băng rộng cố định và di động.
Với khối cơ quan Nhà nước, 96% bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6 và gần 90% bộ, tỉnh đã chuyển đổi IPv6 thành công cho cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công.
Theo Thứ trưởng Dũng, chuyển đổi IPv6 làm cho Internet lớn và rộng hơn, đồng thời phải gắn với an toàn, chất lượng và dịch vụ mới để phát triển hạ tầng Internet, các dịch vụ trên Internet thông minh hơn, an toàn hơn và bền vững.
Chuyển đổi IPv6 là theo yêu cầu về công nghệ, theo xu thế chung của toàn cầu, là cơ hội phát triển cho mạng Internet Việt Nam, hướng tới phát triển Internet thông minh, Internet công nghiệp; mục tiêu cuối cùng là chuyển đổi sang IPv6-only.
Kế hoạch chuyển đổi IPv6 Việt Nam, IPv6 for Gov 2024
Tại sự kiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6 Việt Nam, IPv6 for Gov năm 2024.
4 doanh nghiệp viễn thông lớn gồm VNPT, Viettel, FPT Telecom, MobiFone cần đạt 95% thuê bao FTTH và thuê bao di động hoạt động với IPv6. Tỷ lệ sử dụng IPv6 trên toàn mạng doanh nghiệp đạt từ 80% trở lên, phấn đấu đạt tối thiểu 90%. Các doanh nghiệp còn lại cần quyết liệt triển khai IPv6, đạt tối thiểu 50% tỷ lệ sử dụng IPv6.
Đối với các doanh nghiệp nội dung, cơ quan báo chí lớn hoàn thành chuyển đổi IPv6 trong năm 2024.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho cơ quan Nhà nước cần đồng bộ, triệt để kích hoạt dịch vụ IPv6, hỗ trợ các cơ quan Nhà nước chuyển đổi thành công IPv6 cho cổng thông tin, cổng dịch vụ công và mạng truy cập của các cơ quan.
Mục tiêu 2025, định hướng 2030, triển khai IPv6 only, IPv6 cho 5G, điện toán đám mây, IoT (Internet of Things) và nghiên cứu triển khai IPv6+, IPv6 thông minh, IPv6 trong Internet công nghiệp.
Để đạt được kế hoạch đã đề ra, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chỉ đạo nhóm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ di động, trung tâm dữ liệu...cần đảm bảo hạ tầng cung cấp dịch vụ IPv6 toàn diện, liên tục tới toàn bộ thuê bao, có giám sát và theo dõi định kỳ, thực hiện đúng cam kết về số lượng kích hoạt thuê bao mới.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần thay thế những thiết bị đầu cuối không hỗ trợ IPv6 theo lộ trình chủ động của doanh nghiệp và hoàn thành trong các năm 2024 và 2025. Cung cấp dịch vụ IPv6 mặc định cho các dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây. Chuyển đổi sang sử dụng IPv6 cho các dịch vụ OTT/Media. Triển khai các gói dịch vụ tư vấn, dịch vụ chuyển đổi IPv6 dành riêng cho nhóm cơ quan Nhà nước.
Với nhóm cơ quan Nhà nước, công tác chuyển đổi IPv6 cần bám sát yêu cầu, nhiệm vụ và mục tiêu của chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu đặt ra cho năm 2024 là trên 90% bộ, ngành, các địa phương chuyển đổi IPv6 thành công cho cổng thông tin điện tử, dịch vụ công.
Thứ trưởng Dũng yêu cầu Cục Chuyển đổi số quốc gia triển khai nội dung IPv6 trong các đánh giá chỉ số chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương. Bổ sung nội dung IPv6 trong các sự kiện, hội nghị về chuyển đổi số, Chính phủ điện tử, thành phố thông minh.
Là đơn vị đầu mối triển khai chuyển đổi IPv6, Thứ trưởng giao Trung tâm Internet Việt Nam chủ trì, điều phối chung việc thực hiện kế hoạch IPv6, IPv6 for Gov năm 2024. Đào tạo, hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp triển khai IPv6. Trong giai đoạn 2024 - 2025 cần tập trung đào tạo, tập huấn về an toàn, chất lượng IPv6, định tuyến RPKI, DNSSEC để đảm bảo an toàn.
"Chuyển đổi IPv6 là cần thiết, không thể chậm trễ, cần sự tham gia đồng lòng của tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp," đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Mạng Internet IP - mạng IPv6 là hạ tầng nền tảng cho phát triển kỹ thuật số, chuyển đổi số quốc gia. Toàn cầu đang chuyển đổi từ địa chỉ IPv4 sang thế hệ mới - IPv6 để đáp ứng nhu cầu triển khai các dịch vụ mới, chất lượng cao như Internet vạn vật (IoT), đô thị thông minh, điện toán đám mây và các mạng viễn thông thế hệ mới 5G, 6G...