TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng. |
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, khi đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết 42, các đại biểu đều đánh giá, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã mang lại những lại chuyển biến rất tích cực, góp phần duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%, từng bước bảo đảm quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu.
Trong bối cảnh nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, các đại biểu cũng đồng tình về việc kéo dài Nghị quyết 42 để tránh bị khoảng trống pháp lý trong thời gian đợi gia cố khung khổ pháp luật về xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, trong phiên thảo luận chiều 2/6, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh hiện tại thì tiếp tục cơ chế thí điểm tại Nghị quyết 42 là điều cần thiết; nhưng cần đánh giá thật kỹ tất cả những tác động, cả thuận lẫn nghịch của cơ chế này.
Đại biểu Nguyễn Công Long. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội |
Theo ông Long, bất kỳ một nền kinh tế nào khi có nợ tăng cao đe dọa đến nền kinh tế và gây bất ổn thì Nhà nước đều phải can thiệp. Nhưng quá trình này luôn gắn liền với việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng và đây là một cuộc thanh lọc rất gắt gao, các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại phục hồi được, có hiệu quả thì tồn tại, còn không có sẽ bị thải loại.
“Còn chúng ta đang áp dụng những cơ chế rất đặc biệt, đặc biệt ở chỗ là quá trình xử lý nợ xấu thì huy động rất lớn bộ máy công quyền, từ công an, tòa án, thi hành án, hệ thống chính quyền các cấp đều phải tham gia và sự phục vụ của hệ thống công quyền này có tính chất vô điều kiện. Phải chăng cơ chế này đang tạo ra một thứ bao cấp cho một hoạt động đối với thị trường tín dụng và đối với hệ thống tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại", ông Long đặt vấn đề.
Vì vậy theo đại biểu Nguyễn Công Long, cơ chế này kéo dài sẽ tạo ra sự ỷ lại cũng như tạo ra một tâm lý cho các ngân hàng thương mại rằng là kinh doanh có lãi, có hiệu quả thì hưởng, còn lỗ, nợ thì đã có Nhà nước lo.
Cần hành lang pháp lý về nợ xấu để ngân hàng tự xử lý
Trong khi đó, chia sẻ về vấn đề kéo dài Nghị quyết 42 trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 2/6, TS Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, Nghị quyết 42 có tác động tích cực với hệ thống Ngân hàng trong vấn đề xử lý nợ xấu. Trong giai đoạn 2017-2021, hơn 750.000 tỷ đồng nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý; nợ xấu theo Nghị quyết số 42 là 390.000 tỷ đồng, chiếm hơn 50%. Trong đó, trên 600.000 tỷ đồng là số nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý. Còn lại khoảng hơn 100.000 tỷ đồng do VAMC và khoảng 20.000 tỷ đồng do các tổ chức mua bán nợ khác xử lý.
TS Hùng đánh giá, với Nghị quyết 42, các ngân hàng được chính quyền các cấp, các Bộ ngành tạo điều kiện cho việc thu hồi nợ. Ý thức trả nợ của khách hàng cũng cao hơn. Toà án tiếp nhận xử lý nhanh, kịp thời. Các tổ chức thu giữ thành công nhiều tài sản đảm bảo và phát mại. Thực tế, trong tổng số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã được xử lý có 148.000 tỷ đồng là do khách hàng tự trả nợ (chiếm 38,93%), cao hơn so với mức 22,8% trung bình năm từ 2012-2017.
Mặc dù đạt được hiệu quả như vậy nhưng theo TS Hùng, việc kéo dài Nghị quyết 42 vẫn rất cần thiết. Vì Bộ Luật dân sự, Luật các Tổ chức tín dụng và các bộ luật liên quan hiện hành chưa đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính người cho vay và người đi vay; thậm chí có phần bảo vệ người đi vay nhiều hơn, dẫn tới ngành ngân hàng rất khó khăn trong việc thu nợ. Nghị quyết 42 đã rà soát, giải quyết những vướng mắc này và đem lại kết quả trong thực tiễn.
Hơn nữa sau Covid-19, doanh nghiệp và người dân đều đang gặp khó khăn. Nguy cơ gia tăng nợ xấu trong thời gian tới là có thể xảy ra. Nếu tạm dừng Nghị quyết 42, thực trạng khó đòi nợ lại quay trở lại, vấn đề nợ xấu lại thêm nhức nhối.
Kéo dài Nghị quyết 42 nhưng TS Hùng cũng để xuất có sự sửa đổi, bổ sung để mang lại hiệu quả hơn. Bởi thực tế quá trình thực hiện Nghị quyết 42 vẫn còn phát sinh nhiều khó khăn và vướng mắc. Như việc tòa án được phép xử lý rút gọn nhưng lại không có bản án tiền lệ để thi hành do còn liên quan đến nhiều luật; việc thu giữ và chuyển nhượng tài sản rất khó khăn, đặc biệt là đối với những tài sản bảo đảm không phải là dự án; một số chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt trong việc bảo vệ người cho vay…
Đồng thời, ông Hùng nhấn mạnh, các bộ, ngành cần sửa đổi, bổ sung vào luật hoặc ban hành luật xử lý nợ xấu, quy định rõ quyền và trách nhiệm của chủ nợ, người vay. “Có ý kiến cho rằng với Nghị quyết 42, ngân hàng được giao cho đặc quyền về xử lý nợ xấu. Tôi không nghĩ đó là đặc quyền khi mà ngân hàng đi đòi nợ rất khó khăn, phát mại tài sản không được, thu giữ tài sản không được, đôn đốc đòi nợ không được, trong khi có trường hợp tạo ra tranh chấp giả để không trả nợ, rồi cố tình không trả lãi, chỉ trả gốc, bỏ mặc tài sản đó cho ngân hàng tự xử lý… Khi hành lang pháp lý đủ mạnh, ngân hàng sẽ tự chủ được vấn đề xử lý nợ xấu”, TS Hùng nêu quan điểm.
Chẳng có ngân hàng nào muốn kinh doanh kém cả, cũng như chẳng có ngân hàng nào muốn lợi dụng Nghị quyết 42 để che giấu nợ xấu. Nhưng hiện nay có tình trạng là chủ nợ phải đi “nịnh” con nợ để thu hồi tài sản bảo đảm. Điều này khó có thể chấp nhận được…
Cần bổ sung quy định xử lý nợ xấu không còn tài sản đảm bảo
Tại các phiên họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu cũng đề xuất sớm luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tạo hành lang pháp lý vững chắc, ổn định và hoàn thiện hơn trong công tác xử lý nợ xấu. Các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp để kiểm soát vấn đề nợ xấu.
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (đoàn Thanh Hóa) đề nghị nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong công tác thẩm định giá trị tài sản bảo đảm, công tác quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng trong quá trình cho vay. Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc việc thẩm định tài sản để hạn chế tình trạng tiêu cực trong thẩm định tài sản cho vay, hạn chế sự gia tăng các khoản nợ xấu.
Đại biểu Lê Đào An Xuân (đoàn Phú Yên) đề nghị cần xem xét, bổ sung đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, trong đó có việc xử lý các khoản nợ xấu mới phát sinh từ sau thời hiệu của Nghị quyết số 42. Cùng đó, bổ sung các quy định về xử lý đối với các khoản nợ xấu không còn tài sản đảm bảo. Theo đại biểu, trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện nay có gần 40% là nợ xấu không còn tài sản đảm bảo để xử lý do doanh nghiệp phá sản… Do đó, cần có giải pháp để xử lý, đặc biệt là các loại nợ xấu mang tính đặc thù.
Phát biểu trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng mong muốn Nghị quyết 42 sẽ được thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng đến ngày 31/12/2023; đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất nội dung cần luật hóa quy định về xử lý nợ xấu cùng với việc rà soát, hoàn thiện Luật Các Tổ chức tín dụng và các luật có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, trình Quốc hội chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023.