Giao dịch được thực hiện vào ngày 16/1 vừa qua. Cùng ngày này, trên thị trường, cổ phiếu AIC cũng ghi nhận giao dịch thỏa thuận với khối lượng bằng đúng khối lượng mà Artexport mua vào và giao dịch khớp lệnh thông thường các phiên của AIC chỉ quanh mức 10.000 đơn vị mỗi phiên. Do đó, đây khả năng cao là giao dịch của Artexport.
Nếu tính theo giao dịch này, Artexport đã chi khoảng 173,25 tỷ đồng để sở hữu 11,55 triệu cổ phiếu của Bảo hiểm Hàng không, tương ứng trị giá 15.000 đồng/cp. Đây cũng là mức giá đóng cửa phiên 16/1 của cổ phiếu.
Trước đó, hồi đầu tháng 1, Bộ Tài chính đã có văn bản chấp thuận đề nghị của Bảo hiểm Hàng không để được chuyển nhượng cổ phần cho Công ty DB Insurance Co., Ltd và CTCP Xuất nhập khẩu Thủ công Mỹ nghệ (Artexport).
Ngoài việc DB Insurance là cổ đông lớn mà Bảo hiểm Hàng không đã ký hợp đồng chuyển nhượng 75% cổ phần (tương ứng là 75 triệu cổ phiếu) kể từ cuối tháng 2, trong văn bản gửi Bộ Tài chính, Bảo hiểm Hàng không đã lần đầu tiên nhắc đến Artexport trong thương vụ chuyển nhượng này.
Dù vậy, Artexport là thành viên quan trọng của Tập đoàn T&T (T&T Group), đồng thời là bên liên quan với Bảo hiểm Hàng không. Cụ thể, tính tới đầu năm 2023, Bảo hiểm Hàng không nắm tới 8,4% tại Xuất nhập khẩu Thủ công Mỹ nghệ với giá gốc hơn 418 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6/2023, Bảo hiểm Hàng không đã thoái bớt vốn tại đây và giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,2%.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu AIC đã chứng kiến một đà tăng kéo dài kể cuối tháng 10 tới nay, đưa thị giá cổ phiếu từ mức 9.210 đồng/cp lên mức 15.400 đồng/cp (giá đã điều chỉnh), tương ứng tăng 67% thị giá và dần trở lại vùng giá đỉnh hồi tháng 3/2023. Đây là mức giá giao dịch tương đối cao của AIC, nếu không tính đà tăng vọt lên vượt 30.000 đồng/cp khi cổ phiếu mới chào sàn hồi tháng 2/2022.
Kết phiên sáng 19/1, cổ phiếu AIC đứng giá tại mức 15.400 đồng/cp, với 16.100 đơn vị được sang tay, đây là khối lượng giao dịch tương đối cao trong một phiên của cổ phiếu thời gian gần đây. Ở mức giá này, vốn hóa của công ty đã đạt 1.540 tỷ đồng.
Kết phiên sáng 19/1, cổ phiếu AIC đứng giá tại mức 15.400 đồng/cp, với 16.100 đơn vị được sang tay, đây là khối lượng giao dịch tương đối cao trong một phiên của cổ phiếu thời gian gần đây. Ảnh: TradingView |
Về tình hình kinh doanh của Bảo hiểm Hàng không, quý 3/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 442 tỷ đồng, doanh thu phí bảo hiểm đạt gần 539 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 556 tỷ đồng, giảm 12%.
Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 5% xuống còn 444 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến gấp 4,2 lần cùng kỳ lên 67 tỷ đồng. Nhờ vậy, sau khi giảm trừ chi phí, Bảo hiểm Hàng không vẫn lãi sau thuế 6,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 25 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm gốc và doanh thu tài chính đạt lần lượt là 1.718 tỷ đồng, 1.670 tỷ đồng và 121 tỷ đồng, đều giảm 16%, 19% và 8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nhờ chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tiết giảm tới 21% xuống còn gần 1.264 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế 9 tháng của công ty vẫn tăng 42% so với cùng kỳ, đạt 13,3 tỷ đồng.