Ảnh minh họa |
Quán quân trong đợt chạy đua lần này chính là VGI của Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global). Mã này bước vào sóng tăng kể từ cuối tháng 2/2024, cùng với “sóng” ngành công nghệ.
Việc giao dịch trên UPCoM khiến thị giá của VGI “lớn nhanh như thổi” sau những phiên tăng trần, tăng mạnh. Giai đoạn thị trường suy giảm đầu tháng 4, mã cũng có điều chỉnh nhưng sau đó nhanh chóng lấy lại đà tăng.
Phiên 17/5, VGI tiếp tục xác lập kỷ lục mới ở mức giá 89.000 đồng/cp, tăng 37% so với hồi cuối tháng 4 và tăng gần 220% sau 3 tháng. Vốn hóa thị trường của Viettel Global cũng theo đó tăng lên mức 271.000 tỷ đồng (hơn 11 tỷ USD), so với hồi đầu năm 2024 là 192.400 tỷ đồng (7,9 tỷ USD).
Với hơn 11 tỷ USD vốn hóa, Viettel Global vượt qua hàng loạt "tên tuổi" như Vingroup, Vinhomes, Hòa Phát, Vinamilk, FPT, PV Gas cùng nhiều ngân hàng, để "chễm trệ" tại vị trí thứ 3 trong danh sách các công ty lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Giá trị của Viettel Global hiện chỉ kém Vietcombank và BIDV.
Viettel Global là thành viên của Tập đoàn Viettel, với hoạt động kinh doanh chính là đầu tư các dự án viễn thông tại thị trường nước ngoài. Năm 2023, công ty đạt kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu 28.212 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 3.879 tỷ đồng, tăng 29% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.647 tỷ đồng, tăng 7%. Đây là năm thứ hai liên tiếp VGI có lợi nhuận dương trở lại, sau năm 2021 thua lỗ. Tại thời điểm cuối năm 2023, công ty vẫn ghi nhận lỗ luỹ kế 3.377 tỷ đồng.
Năm 2024, Viettel Global đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 31.746 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 5.477 tỷ đồng. Con số này cao hơn 41% so với thực hiện năm ngoái và là mức kỷ lục kể từ khi hoạt động của tổng công ty.
Cổ phiếu VGI tăng dựng đứng với thanh khoản cải thiện. |
Cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) xác lập kỷ lục thị giá mới sau phiên 17/5, ở mốc 23.200 đồng/cp. Trong đợt thị trường hồi phục vừa qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng khá “im hơi lặng tiếng” nhưng LPB vẫn âm thầm tăng tốc, liên tục lập đỉnh mới kể từ đầu tháng 4 đến nay. So với cách đây 3 tháng, mã đã tăng gần 50% giá trị.
Cổ phiếu LPB thu hút sự quan tâm của dòng tiền khi ngân hàng có nhiều thông tin mới sau ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Đáng chú ý là việc nâng vốn điều lệ từ 25.576 tỷ đồng lên 33.576 tỷ đồng, thông qua phương án chào bán thêm tối đa 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Ngày 17/5, LPBank thông báo đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đề nghị tăng vốn theo phương án trên.
Năm 2024, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2023. Quý 1 vừa qua, ngân hàng đã mang về 2.886 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 85% so với cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành hơn 27% kế hoạch cả năm. Đây cũng là mức lãi theo quý cao nhất mà LPBank đạt được.
LPBank đã được chấp thuận tăng vốn lên hơn 33.500 tỷ đồng. |
Cổ phiếu MBS của Chứng khoán MB cũng chinh phục đỉnh mới trong phiên 17/5, tại vùng giá 31.800 đồng/cp, tăng 28% so với giữa tháng 4/2024 và tăng hơn gấp đôi trong 1 năm qua. Cổ phiếu này thu hút sự chú ý của dòng tiền cũng từ câu chuyện tăng vốn.
Ngày 15/5 vừa qua, HĐQT MBS đã thông qua việc triển khai thực hiện phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.
CEO MBS: Quy mô vốn nhỏ là một trong những khó khăn của công ty
Theo đó, công ty dự kiến chào bán thêm 109,42 triệu cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện quyền 4:1, tức cổ đông sở hữu 4 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới, với giá phát hành 10.000 đồng/cp. Nếu phát hành thành công, Chứng khoán MB sẽ tăng vốn điều lệ từ 4.377 tỷ đồng lên 5.758 tỷ đồng.
Ngoài phương án tăng vốn trên, ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của MBS còn thông qua phương án phát hành riêng lẻ gần 29 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách (11.512 đồng/cp). Số lượng nhà đầu tư chào bán tối đa là 30 nhà đầu tư.