Một góc dự án điện mặt trời BCG Vĩnh Long. Ảnh: Bamboo Capital |
Báo cáo tài chính quý 4/2023 của CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (HoSE: BCG) cho thấy, tỷ lệ lợi ích và tỷ lệ kiểm soát của BCG tại CTCP BCG Energy hiện ở mức 50,66%, giảm mạnh so với tỷ lệ 82,18% tại cuối quý 3/2023.
Trước đó, vào ngày 27/12/2023, BCG Energy đã tiến hành tăng vốn góp. Đây không thuộc nội dung công bố thông tin theo Thông tư 96/2020/TT-BTC, do vậy Bamboo Capital không phải công bố thông tin về sự kiện trên.
Như đã được Mekong ASEAN đề cập ở bài viết trước, theo công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của CTCP BCG Energy, vào ngày 5/1/2024, vốn điều lệ của BCG Energy chính thức tăng từ 4.500 tỷ đồng lên 7.300 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu chi tiết không được đính kèm trong thông báo. Trong năm 2022, BCG Energy có 3 lần thực hiện điều này, tăng vốn từ 2.175 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng.
BCG Energy tăng vốn gấp rưỡi lên 7.300 tỷ đồng
Căn cứ theo tỷ lệ sở hữu tại cuối năm 2023 là 50,66% và cuối quý 3/2023 là 82,18%, số vốn góp của Bamboo Capital tại BCG Energy không đổi và được duy trì ở mức 3.698 tỷ đồng. Như vậy, Bamboo Capital không tham gia vào đợt vào đợt tăng vốn vừa qua của BCG Energy.
Được thành lập vào năm 2017, BCG Energy là một trong những thành viên hạt nhân của CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (BCG), đảm nhiệm mảng năng lượng tái tạo của BCG.
Sau hơn 6 năm phát triển, công ty này đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều nhà máy điện mặt trời quy mô lớn như BCG Long An 1 (40,6 MW), BCG Long An 2 (100,5 MW), BCG Vĩnh Long (49,3 MW), BCG Phù Mỹ (330 MW) hay Krong Pa 2 (49 MW). Ngoài ra, công ty còn phát triển các hệ thống điện mặt trời áp mái tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm hồi tháng 4/2023, ban lãnh đạo Bamboo Capital cho biết BCG Energy đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ với các đơn vị kiểm toán cũng như các đơn vị liên quan và sẽ tiến hành IPO dự kiến trong năm 2023. Bamboo Capital cũng có những bước chuẩn bị để tiến hành niêm yết và đại chúng hóa BCG Energy.
Trong năm 2023, Bamboo Capital đã đại chúng hóa một công ty con khác là CTCP BCG Land – đơn vị phụ trách mảng bất động sản của tập đoàn.
460 triệu cổ phiếu BCR của CTCP BCG Land chính thức chào sàn UPCoM vào ngày 8/12/2023 và nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới đầu tư với thanh khoản lớn, luôn là một trong những cổ phiếu có khối lượng giao dịch trong ngày lớn nhất sàn UPCoM, trái ngược với các cổ phiếu vừa lên sàn khác khi bị tiết cung.
Đi cùng với thanh khoản lớn, thị giá cổ phiếu BCR cũng giảm mạnh từ khi lên sàn. Theo đó, sau khi tăng 12% ở phiên giao dịch đầu tiên lên 13.500 đồng/CP, cổ phiếu BCR trải qua nhiều phiên giao dịch với biên độ giảm điểm cao. Chốt phiên 30/1, BCR giảm thêm 1,61% về còn 6.100 đồng/CP, tương ứng vốn hóa 2.806 tỷ đồng, giảm hơn nửa so với khi lên sàn.
Việc BCG Energy nâng vốn điều lệ thêm 2.800 tỷ đồng diễn ra chỉ ít tuần sau khi doanh nghiệp này vừa mua lại 2.500 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Cụ thể, vào ngày 16/12/2023, BCG Energy đã mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của các mã EBCCH2124002 và EBCCH2124003.
EBCCH2124002 được phát hành vào tháng 4/2021 trong khi EBCCH2124003 được phát hành sau đó 1 tháng, nhằm hợp tác đầu tư và/hoặc đầu tư phát triển dự án Nhà máy Điện gió Khu du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1 do CTCP Điện gió BCG Khai Long 1 làm chủ đầu tư.
Trái chủ của EBCCH2124002 là một công ty chứng khoán, còn EBCCH2124003 là một tổ chức tín dụng và một công ty chứng khoán. Cả 2 lô trái phiếu cùng được phát hành với thời hạn 3 năm, lãi suất cố định 10%/năm, dưới sự thu xếp của CTCP Chứng khoán Bảo Minh và Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank).