Ảnh minh họa: Sở TN&MT Quảng Bình. |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 333 ngày 23/4/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (kế hoạch).
Kế hoạch này đặt ra lộ trình tổ chức triển khai các chương trình, dự án theo các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà bản quy hoạch đã đề ra.
Đồng thời, cụ thể hóa tiến độ, các bước triển khai và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch.
Theo quyết định, Thủ tướng Chính phủ phân công trách nhiệm cụ thể đối với các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện quy hoạch, đặc biệt là việc giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện quy hoạch.
Các bộ ngành cũng được giao trách nhiệm nghiên cứu, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện các công trình, dự án cấp bách, quan trọng thuộc nhóm ưu tiên như công trình an ninh quốc phòng, công trình hạ tầng, giao thông... đặc biệt là các dự án đầu tư công, dự án huy động từ các nguồn lực xã hội, dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quyết định cũng nêu các giải pháp cần phải thực hiện đồng bộ để đảm bảo thực hiện tốt Kế hoạch như: giải pháp về pháp luật, chính sách; giải pháp tài chính, đầu tư; giải pháp khoa học, công nghệ, môi trường; giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức; giải pháp về đào tạo, tăng cường năng lực...
Trong đó, tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách và pháp luật của nhà nước về khoáng sản, khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương và doanh nghiệp.
Hoàn thiện, bổ sung các chính sách pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các dự án thăm dò, khai thác gắn với các dự án chế biến khoáng sản. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động thăm dò, khai thác tuân thủ chính sách pháp luật về khoáng sản và môi trường, đảm bảo an toàn lao động.
Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ việc hoàn thiện để ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật nâng cao công tác quản lý, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản và khoáng sản đi kèm nhằm cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác và phục vụ các lĩnh vực kinh tế.
Theo Quyết định số 866 ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (bô-xít, titan, đất hiếm, crômit, niken, đồng, vàng), các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững.
Hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, nhỏ lẻ, tập trung tài nguyên khoáng sản từ các mỏ/điểm mỏ quy mô nhỏ thành các cụm mỏ quy mô đủ lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại.
Quy hoạch cũng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đất hiếm một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững; các dự án Quy hoạch thăm dò gắn với dự án quy hoạch khai thác, các dự án khai thác được quy hoạch cung cấp nguyên liệu cho các dự án chế biến theo cân đối của nhu cầu thị trường.