Ảnh minh họa |
Tập đoàn Điện lực Việt Nam mới có Văn bản số 6570/EVN-TTD ngày 20/11 gửi Bộ Công Thương và Cục Điều tiết Điện lực đề xuất khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Theo đó, với dữ liệu thu thập được đến ngày 16/11, EVN kiến nghị áp dụng khung giá phát điện của từng loại hình là giá trị nhỏ nhất trong các kết quả tính toán theo 4 phương án mà EVN thực hiện.
EVN đưa ra giá trị tối đa của khung giá phát điện cụ thể như sau: Nhà máy điện mặt trời mặt đất 1.187,96 đồng/kWh; nhà máy điện mặt trời nổi 1.569,83 đồng/kWh; nhà máy điện gió trong đất liền 1.590,88 đồng/kWh; nhà máy điện gió trên biển 1.944,91 đồng/kWh.
EVN cho biết, đến ngày 16/11, mới có chủ đầu tư của 208 nhà máy điện phản hồi đề nghị của EVN (văn bản số 7135/EPTC-KDMĐ ngày 12/10/2022) về việc cung cấp tài liệu phục vụ tính toán khung giá phát điện Nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Trong đó có 99 nhà máy điện mặt trời (4 nhà máy điện mặt trời nổi và 95 nhà máy điện mặt trời mặt đất) trong tổng số 147 nhà máy điện mặt trời đã ký Hợp đồng mua bán điện với EVN và 109 nhà máy điện gió trong tổng số 146 nhà máy điện gió đã ký Hợp đồng mua bán điện.
Lý do là vì Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3/10/2022 chưa có hiệu lực thi hành và chưa hết thời hạn để chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió cung cấp báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc thiết kế kỹ thuật cho EVN.
Theo EVN, các thông số tính toán trên chỉ là giả thiết trên cơ sở số liệu báo cáo của các chủ đầu tư nên không đủ cơ sở xác định tính chính xác, hợp lý, hợp lệ. Do đó, EVN đề nghị Bộ Công Thương sử dụng các chuyên gia độc lập hoặc Hội đồng tư vấn để nghiên cứu kỹ trước khi xác định giá điện thông qua cơ chế cạnh tranh/đấu giá.
Hiện EVN đang là người mua duy nhất trên thị trường điện. Với việc đề xuất áp dụng khung giá phát điện của từng loại hình là giá trị nhỏ nhất trong các kết quả tính toán theo 4 phương án mà EVN giả thiết, bao giờ thì hiệu quả đầu tư của các dự án được cân nhắc trong quá trình xây dựng chính sách? Trong khi các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp nằm chờ chính sách đã gần 2 năm.
Khi xem xét tổng mức đầu tư ban đầu của các dự án, ông Lê Ngọc Ánh Minh - Chủ tịch Pacific Group cho rằng, đây là sự lãng phí tiềm lực xã hội và thiệt hại cho tất cả các bên, không chỉ nhà đầu tư mà cả ngân hàng bảo lãnh cấp tín dụng, người sử dụng điện và ngân sách Nhà nước cũng bị ảnh hưởng.
156.555 tỷ đồng là con số ước tính tổng mức đầu tư ban đầu của 62 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng chưa kịp FIT với tổng công suất 3.479MW, dựa trên cơ sở tính toán suất đầu tư trung bình thời điểm 31/10/2021 là 45 tỷ đồng/MW (2 triệu USD/MW). 5.085 tỷ đồng – ước tính tổng mức đầu tư ban đầu cho 452MW của 5 dự án điện mặt trời với suất đầu tư trung bình 12-13 tỷ đồng/MW (500.000 USD/MW). Đó là chưa tính chi phí bảo trì, nhân công vận hành trong gần 2 năm qua.
Áp lực tài chính đè nặng khi lãi suất vay thương mại trung bình là 10%, các nhà đầu tư phải trả lãi lên tới hàng nghìn tỉ đồng nhưng không có doanh thu hoặc chỉ một phần. Phá vỡ phương án tài chính là điều chắc chắn và rủi ro nợ xấu đối với chủ đầu tư cũng như ngân hàng bảo lãnh vô cùng lớn.
Bao giờ mới có sự dung hòa lợi ích giữa bên bán – bên mua – người sử dụng?
Tại Tọa đàm “Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức cuối tuần vừa qua, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, khung giá ban hành trong Thông tư 15 là cho đối tượng chuyển tiếp nhưng không phải một lúc đàm phán tất cả hơn 4.000 MW chuyển tiếp. EVN còn phải có sự cân nhắc trong điều độ, tỷ trọng.
“Cơ chế ưu đãi năng lượng tái tạo đã phát huy tác dụng, hiện năng lượng tái tạo đang chiếm 27% tỷ trọng nguồn. Cùng với đó, đầu tư năng lượng tái tạo ngày càng dễ hơn, rẻ hơn thì không còn lý do gì để phải khuyến khích mà quan trọng là hài hòa lợi ích để nhà đầu tư chấp nhận được, giá bán điện hợp lý”, ông Hùng nói.
Cũng tại buổi tọa đàm nói trên, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, nếu chưa có thị trường thì phải giải quyết ngay các vấn đề nhà đầu tư đã nêu ra. Cắt giảm chỉ sử dụng 10, 20% công suất là lãng phí tiềm năng xã hội, trong khi chúng ta vẫn có nhu cầu rất lớn. Cần nghiên cứu trên góc độ xã hội. Trong khi từ năm 2018-2020, Chính phủ đã yêu cầu xây dựng cơ chế đấu thầu, nhưng 4 năm vẫn không xây dựng được.
GS. Nguyễn Mại đề nghị Tổng công ty Truyền tải điện kiến nghị để cho nhà đầu tư tư nhân đầu tư truyền tải điện, kể cả đường dây quốc gia, trừ vùng an ninh quốc phòng. Trước tiên có thể triển khai truyền tải tại từng địa phương, dựa vào đấy triển khai rộng rãi tại 5, 7 địa phương.
Chuyên gia nghiên cứu về năng lượng Phan Công Tiến cũng cho rằng cần tách mảng truyền tải và phân phối độc lập với mảng nguồn và kinh doanh điện. "Coi như đây là những xa lộ chở hàng đi bán. Người bán hàng, người mua hàng trả phí cố định cho xa lộ này. Như vậy sẽ hình thành rất nhiều người mua, thị trường nhiều người bán nhiều người mua ắt sẽ hình thành", ông Tiến mô tả.
Ngược thời gian về thời điểm ngày 7/9/2020, tại phiên giải trình thực trạng giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, ông Trần Tuấn Anh – nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương (nay là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, giá điện đang hướng tới các cấp độ triển khai hướng tới thị trường.
Bộ Công Thương đã xây dựng đề án đề xuất mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với 3 giai đoạn thực hiện. Cụ thể, Giai đoạn 1 (đến hết năm 2021) là giai đoạn chuẩn bị, Giai đoạn 2 (từ năm 2022 đến năm 2024) cho phép khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường điện giao ngay và Giai đoạn 3 (từ sau năm 2024) cho phép các khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.
"Theo đề án này, đến năm 2024, thị trường điện cạnh tranh sẽ vận hành đầy đủ", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại phiên giải trình.
Khi được hỏi về thị trường điện, đại diện Pacific Group nêu quan điểm: có thị trường điện cạnh tranh sớm sẽ giảm áp lực lên EVN, lên lưới điện. Nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư truyền tải điện và cơ chế mua bán điện linh hoạt, lưới điện thông minh để các bên đều được lợi (cả bên mua và bên bán) thay vì để các bên thiệt hại như hiện nay: Bên bán không bán được điện, phải giảm phát, bên mua thì phải luôn luôn mua giá cao.