Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã nộp đơn xin gia nhập BRICS vào tháng 5. Ảnh: Moscow Times |
“Quyết định này là một bước hoàn toàn hợp lý, trong bối cảnh Belarus tiếp cận mở rộng hợp tác đa phương với các đối tác truyền thống và các quốc gia thân thiện. Cho đến nay, có 25 quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập BRICS. Danh sách này không ngừng tăng lên. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên”, BelTA dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Belarus.
Khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS) hiện bao gồm 5 thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Các nước BRICS chiếm hơn 40% dân số thế giới và tạo ra hơn 30% GDP toàn cầu.
“Dựa trên thực tế khách quan, chúng tôi tin rằng tầm quan trọng và sự ảnh hưởng của BRICS sẽ ngày càng tăng trên thế giới. Vì vậy, Belarus không đơn độc khi có nguyện vọng trở thành thành viên của khối”, Bộ Ngoại giao Belarus cho biết.
Năm nay, Nam Phi đang đảm nhận chức vụ Chủ tịch luân phiên của BRICS và dự kiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 tại Johannesburg từ ngày 22-24/8. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã gửi lời mời tới gần 70 nhà lãnh đạo trên thế giới.
BRICS đang tích cực thảo luận về các tiêu chí kết nạp thành viên hoặc hoặc định nghĩa về các hình thức hợp tác khác trong khuôn khổ của khối, như “bạn bè của BRICS”, “quốc gia đối tác của BRICS”. Ngoại trưởng các quốc gia thành viên dự kiến sẽ trình bày đề xuất về vấn đề này tại hội nghị cấp cao vào tháng 8.
"Chúng tôi mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác với BRICS dưới nhiều hình thức khác nhau", Bộ Ngoại giao Belarus nhấn mạnh.
Trước đó, ông Anil Sooklal, Đại sứ lưu động về châu Á và BRICS của Nam Phi, cho biết đã có hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS.
Ông Sooklal khẳng định BRICS không phân biệt giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu. Khối này sẵn sàng thảo luận với bất kỳ quốc gia nào “có cùng tầm nhìn về một trật tự toàn cầu bao trùm và công bằng hơn, nơi chúng tôi không gạt bỏ phần lớn thế giới ra ngoài lề", bao gồm cả nhiều nước đang phát triển.