Hoạt động đóng gói dừa xuất khẩu của một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Ảnh: VGP |
Có 13/18 khoản thu ngân sách Nhà nước đạt và vượt tiến độ dự toán
Trong đó, thu nội địa 1.640 tỷ đồng, đạt 31,19% dự toán Trung ương giao và 30,21% địa phương phấn đấu, tăng 12,83% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 21,7 tỷ đồng, đạt 16,72% dự toán trung ương và địa phương giao, tăng 17,21% so với cùng kỳ.
Có 13/18 khoản thu, sắc thuế thu đạt và vượt so với tiến độ dự toán gồm thu từ doanh nghiệp Nhà nước Trung ương; thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh; thuế thu nhập cá nhân...
Ước tổng chi ngân sách địa phương 2.864,5 tỷ đồng, đạt 22,59% dự toán Trung ương giao và 22,29% dự toán địa phương phấn đấu, tăng 9,13% so cùng kỳ.
Trong đó, chi thường xuyên là 1.440,1 tỷ đồng đạt 20,74% dự toán, so cùng kỳ giảm 5,83%; chi đầu tư phát triển là 1.422,5 tỷ đồng đạt 26,22% dự toán, so cùng kỳ tăng 29,97%.
Tình hình kinh tế - xã hội trong quý 1/2023 tiếp tục phát triển ổn định, trong năm 2023, tỉnh Bến Tre có nhiều công trình, dự án lớn được triển khai và đưa vào sử dụng sẽ tạo ra động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với các dự án chuyển tiếp và hoàn thiện các thủ tục đầu tư, nhất là đối với các dự án khởi công mới trong năm 2023 để đảm bảo tiến độ giải ngân theo kế hoạch vốn đã giao. Ước giải ngân vốn đầu tư công đến hết quý 1 đạt 26,22% kế hoạch, giảm 0,31% so với cùng kỳ.
Đối với vốn từ chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, tỉnh Bến Tre có 4 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tổng kế hoạch vốn đã được Trung ương phân bổ là 1.045 tỷ đồng.
UBND Bến Tre đã chỉ đạo tập trung triển khai các dự án ngay khi được thông báo kế hoạch vốn. Hiện có 1 dự án lĩnh vực nông nghiệp đã triển khai thi công và 3 dự án còn lại ở lĩnh vực giao thông và y tế đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công và mua sắm theo quy định.
Về hoạt động xúc tiến đầu tư và cấp phép đầu tư, trong quý 1, chưa có dự án trong nước được cấp phép đầu tư mới. Hiện toàn tỉnh có 265 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 60.993 tỷ đồng.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 1 dự án là dự án Nhà máy Công ty TNHH Genova Group của GTIG HUBO INDUSTRIAL CO., LTD có vốn đăng ký ban đầu là 4 triệu USD.
Đồng thời cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án đã được cấp phép trước đó. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 64 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 1.629 triệu USD.
Tình hình kinh doanh của các đơn vị quý 1 còn gặp khó khăn so với quý trước
Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp được Bến Tre thực hiện thường xuyên và liên tục. Trong quý 1, tỉnh đã tiếp và làm việc với 24 dự án, ý tưởng, hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp; có 7 hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp, 27 doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ 55 lượt doanh nghiệp thực hiện các thủ tục tạm ngừng kinh doanh, hiệu đính thông tin đăng ký kinh doanh, đăng ký thành lập mới, chuyển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.
Hiện có 21 người đăng ký làm việc thường xuyên tại không gian làm việc chung Mekong Innovation Hub. Trong quý 1, đã có 126 doanh nghiệp và 105 đơn vị trực thuộc thành lập mới với vốn đăng ký 582,5 tỷ đồng, so cùng kỳ năm trước số doanh nghiệp giảm 19,7%, vốn đăng ký giảm 14,6%.
Đồng thời trong quý cũng đã có 18 doanh nghiệp giải thể, giảm 50% so cùng kỳ; 124 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động, tăng 10,7% so cùng kỳ. Tính đến 15/3/2023, toàn tỉnh có 5.809 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký ban đầu là 67.309 tỷ đồng.
Các hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp tục được quan tâm củng cố. Trong quý, tỉnh có 1 hợp tác xã xin giải thể, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 178 hợp tác xã với tổng vốn điều lệ 308,566 tỷ đồng và 47.599 thành viên.
Tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong quý 1 gặp khó khăn ở một số ngành như chế biến các sản phẩm từ dừa; sản xuất các sản phẩm da; sản xuất xe có động cơ… Nguyên nhân có thể kể đến như giá dừa giảm sâu, thiếu đơn đặt hàng, sức tiêu thụ trên thị trường chậm…
Mặt khác, do Tết Nguyên Đán nằm trong quý 1, các cơ sở sản xuất kinh có thời gian nghỉ khá dài, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sau Tết giảm đáng kể ở một số mặt hàng như chế biến thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may….
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp giảm 1,34% so quý trước và tăng 2,13% so cùng kỳ năm trước.
Trong đó, một số ngành sản xuất có mức tăng mạnh như sản xuất các sản phẩm dệt tăng 32,66%; kế đến là ngành sản xuất phục trang với mức tăng 24,56% và ngành sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 11,43%... Ở chiều ngược lại, mức giảm lớn nhất đến từ ngành sản xuất xe có động cơ với mức giảm 8,81% và ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 7,27%...
Đối với các sản phẩm chủ yếu, so với cùng kỳ năm trước, các sản phẩm ghi nhận mức tăng mạnh ở một số sản phẩm như bộ quần áo thể thao tăng 36,47%, điện gió tăng 27,72%, thuốc lá có đầu lọc tăng 11,43%...
Ngoài ra một số sản phẩm cũng ghi nhận sự giảm sâu như thùng hộp bằng bìa cứng giảm 17,88%, bộ dây điện dùng cho xe hơi giảm 8,81%, giày giảm 8,59%, túi xách giảm 5,77%...
Chỉ số tiêu thụ giảm 35,42% so cùng kỳ năm trước. Trong khi ngành sản xuất đồ uống tăng mạnh 54,19%, ngành dệt tăng 12,48%, thì ngành sản xuất xe có động cơ và ngành sản xuất da cùng các sản phẩm có liên quan lại ghi nhận mức giảm sâu lần lượt là 39,55% và 12,28%.
Chỉ số sử dụng lao động trong quý 1 (chỉ tính cho khu vực doanh nghiệp) giảm 1,83% so cùng kỳ năm trước. Hầu hết các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp ngoài Nhà nước gặp khó khăn trong việc thu hút lao động, do thiếu lao động phục vụ cho sản xuất, trình độ lao động còn hạn chế làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động vào làm việc ở khu vực này.