Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh. Ảnh: VGP |
Mở rộng không gian phát triển, từng bước hình thành khu kinh tế biển
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cho rằng tỉnh vẫn phải nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức để sớm thoát khỏi tình trạng tụt hậu so với các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, hướng tới mục tiêu đưa Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực và của cả nước.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đánh giá, với lợi thế có bờ biển dài hơn 65 km, thời gian qua tỉnh đã tập trung khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế biển, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của tỉnh, nhất là trên lĩnh vực thủy sản.
Hiện nay, tỉnh đang có định hướng phát triển về hướng Đông, để từng bước hình thành khu kinh tế biển, phát triển đột phá một số ngành kinh tế biển, tạo hành lang phát triển kinh tế không chỉ cho tỉnh Bến Tre mà cả khu vực. Từ cơ sở đó, ông Trần Ngọc Tam cho rằng, 3 động lực phát triển của tỉnh thời gian tới là công nghiệp, hạ tầng giao thông và đô thị.
Các nhiệm vụ trọng tâm và dự án trọng điểm của Bến Tre
Để tận dụng tối đa tiềm năng và phát triển bền vững, tại Báo cáo của Tỉnh ủy Bến Tre, tỉnh đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm gồm phát triển nông nghiệp sạch, hiệu quả là nền tảng; phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng và xây dựng đô thị là động lực tăng trưởng, phát triển thương mại, dịch vụ, ngành du lịch là mũi nhọn; phát triển các ngành kinh tế biển gắn với định hướng phát triển về hướng Đông, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Hoàn thành quy hoạch tỉnh Bến Tre và xây dựng các cơ chế huy động các nguồn vốn; giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó là 3 nhiệm vụ đột phá của tỉnh gồm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính. Huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển hạ tầng thuỷ lợi, cấp nước, giao thông, logistics, đô thị, phấn đấu hình thành giai đoạn 1 tuyến động lực ven biển. Phát triển nguồn nhân lực phù hợp Tầm nhìn chiến lược đến năm 2030 và năm 2045.
Bến Tre xác định 11 công trình, dự án trọng điểm gồm cầu Rạch Miễu 2; hệ thống thủy lợi, cấp nước; 500 ha các dự án đô thị thành phố Bến Tre và các huyện; 4.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao; các dự án điện gió, chuẩn bị các điều kiện triển khai dự án điện khí; tuyến động lực ven biển (giai đoạn 1); phát triển mới 5.000 doanh nghiệp; xây dựng 100 doanh nghiệp dẫn đầu; thành lập Đại học Bến Tre; xây dựng làng văn hóa du lịch Chợ Lách; xây dựng Trung tâm cây giống, hoa kiểng Chợ Lách; lấp đầy Khu công nghiệp Phú Thuận và mỗi huyện 1 cụm công nghiệp ít nhất 70 ha.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ cho rằng Bến Tre phải nỗ lực sớm thoát khỏi tình trạng tụt hậu, trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ảnh: VGP |
Bến Tre có lợi thế về con người, kinh tế biển, đất đai phì nhiêu
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tỉnh Bến Tre có lợi thế về con người, kinh tế biển, đất đai phì nhiêu. Dân số tỉnh đạt gần 1,3 triệu người với khoảng 60% trong độ tuổi lao động. Bến Tre có diện tích tự nhiên gần 238.000 ha, có 65 km bờ biển, vùng biển đặc quyền kinh tế gần 20.000 km2, điều kiện thuận lợi phát triển các ngành kinh tế biển, logistics, đặc biệt là tiềm năng lớn về phát triển điện gió.
Tỉnh có trên 180.000 ha đất nông nghiệp phù sa phì nhiêu; rừng ngập mặn rộng lớn; nguồn lợi thủy hải sản phong phú. Có 4 con sông lớn và hệ thống kênh, rạch dài khoảng 6.000 km, thuận lợi cho phát triển giao thông đường thủy, gắn kết với các tỉnh thuộc ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Văn hóa Bến Tre đa dạng, đặc sắc, có nhiều di tích; nhiều lễ hội, làng nghề truyền thống. Ngoài ra, văn minh sông nước độc đáo là cơ hội, tiềm năng lớn phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái. Thủ tướng Chính phủ đánh giá đây là những tiền đề để Bến Tre bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, tạo sự bứt phá vươn lên.
Còn những hạn chế trong phát triển tỉnh Bến Tre
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng quy mô kinh tế của Bến Tre còn nhỏ, tốc độ, chất lượng tăng trưởng còn hạn chế; chưa cân đối được thu - chi ngân sách. Công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch chưa tạo đột phá.
Hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, nhất là giao thông. Việc triển khai một số công trình trọng điểm còn vướng mắc, chậm tiến độ. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa cao (năm 2022 đạt 80,19%).
Tỉ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn cao, chiếm 43,1%. Công tác đào tạo nghề và chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Số doanh nghiệp giải thể còn cao. Chưa thu hút được các dự án quy mô lớn tạo đột phá cho phát triển. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính cần được đẩy mạnh hơn nữa, nâng cao năng lực cạnh tranh tụt hạng (Chỉ số PAPI xếp thứ 56/60, tụt 48 bậc; SIPAS tụt 6 bậc; PCI tụt 10 bậc).
Ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý khai thác tài nguyên và môi trường còn hạn chế. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn.