Bỉ là nước EU duy nhất bỏ phiếu trắng về gói trừng phạt Nga mới nhất

trừng phạt eu
14:47 - 14/10/2022
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo. Ảnh: AFP
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Trong cuộc bỏ phiếu về gói trừng phạt thứ 8 của Liên minh châu Âu áp đặt lên Nga, Bỉ là quốc gia duy nhất trong khối bỏ phiếu trắng với lý do lo ngại các biện pháp này gây tổn hại lên kinh tế của EU nhiều hơn là với Nga. 

"Lần đầu tiên, có một quốc gia EU - trong trường hợp này là Bỉ, bỏ phiếu trắng. Mặc dù quyết định này không tạo ra mối đe dọa nào đối với tiến trình thực hiện gói trừng phạt, nhưng nó cũng đã gửi đi một tín hiệu", tờ Le Monde của Pháp ngày 13/10 bình luận về một quyết định được Bỉ đưa ra từ vài ngày trước.

Trước đó, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết, "hậu quả kinh tế của các biện pháp trừng phạt ngày càng cao khiến việc thể hiện sự đoàn kết để ủng hộ Ukraine trở nên khó khăn hơn". "Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt tỏ ra rất hiệu quả, nhưng càng về lâu dài, những biện pháp này gây tổn hại cho nền kinh tế của chính chúng ta nhiều hơn là của Nga", ông nói.

Nhà lãnh đạo này cũng tuyên bố: "Bỉ cũng không bỏ phiếu chống, bởi vì chúng tôi không muốn phá vỡ sự đoàn kết của châu Âu".

Cửa hàng kim cương tại Antwerp, Bỉ. Ảnh: Bloomberg

Cửa hàng kim cương tại Antwerp, Bỉ. Ảnh: Bloomberg

Trong các cuộc thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới nhất đối với Nga, Bỉ đã được EU miễn trừ 2 năm liên quan đến lệnh cấm nhập khẩu một số loại thép của Nga. Nước này cho biết, nếu không có nguồn cung từ Nga, một số nhà máy luyện kim của Bỉ có thể bị phá sản, khiến khoảng 1.200 công nhân thất nghiệp.

Ngoài ra, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, Bỉ cũng kiên quyết loại trừ công ty khai thác kim cương Alrosa của Nga khỏi gói trừng phạt mới, do lo ngại ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh kim cương của thành phố Antwerp. Lệnh cấm vận kim cương Nga có thể gây ra “tổn thất khổng lồ” cho ngành công nghiệp kim cương của nước này - vốn chiếm 5% doanh thu xuất khẩu của Bỉ và cung cấp 30.000 việc làm.

Tuy nhiên, tờ Le Monde cũng bình luận rằng, mặc dù các cuộc đàm phán về các gói trừng phạt trước đây cũng diễn ra khó khăn (đặc biệt khi Hungary và Slovakia đều yêu cầu bảo đảm các miễn trừ liên quan đến nguồn cung dầu của Nga), nhưng "tất cả 27 quốc gia EU luôn bỏ phiếu ủng hộ các hạn chế đối với Nga”.

"Ngay cả Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng chưa bao giờ bỏ phiếu trắng", tờ báo Pháp trích ý kiến của một quan chức ngoại giao cấp cao giấu tên của châu Âu. "Liên quan đến các biện pháp trừng phạt, một số quốc gia thành viên cũng có sự bất đồng. Ngoài ra các nước còn có sự khác biệt liên quan đến vấn đề viện trợ tài chính và quân sự", quan chức trên cho biết.

Trong bối cảnh cuộc xung đột vẫn chưa có hồi kết, "người châu Âu sẽ phải tìm kiếm một giải pháp để có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong viễn cảnh dài hạn", tờ Le Monde viết.

Vào ngày 6/10, EU đã công bố gói trừng phạt thứ 8 áp đặt lên Nga sau khi Moscow tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh Ukraine. Gói mới bao gồm cơ sở pháp lý để thiết lập giới hạn giá dầu của Nga, cũng như các hạn chế đối với việc vận chuyển hàng hải dầu thô và các sản phẩm dầu tới các nước thứ ba.

Trong khi đó, giới chức Nga cho rằng phương Tây đang "cạn kiệt" các biện pháp gây áp lực với Moscow và cảnh báo nội bộ bất đồng vì gói trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến lợi ích từng nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.