Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên. |
Sáng 1/4, UBND TP HCM tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2023 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2.
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên thẳng thắn nhìn nhận, 3 năm qua kinh tế TP HCM liên tục biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ. Thực tế, TP hội nhập sâu, rộng nên sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi tình hình thế giới và trong nước.
Sau năm 2021 phải chiến đấu với đại dịch, năm 2022 là năm phục hồi và TP dự tính lấy lại những gì đã mất. Tuy nhiên khi nhìn sang năm 2023, TP nhận thấy có nhiều khó khăn, thử thách nên tập trung nâng cao khả năng thích ứng và đề ra chỉ tiêu thấp hơn. “Nhưng sự thực không ngờ là thấp đến mức sâu như thế”, Bí thư Nên nói.
Ông Nên cho biết, sau đại dịch, kinh tế của thành phố đã vực dậy với độ phục hồi mạnh, đem lại nhiều kết quả khả quan trong năm 2022. Song Bí thư cũng thẳng thắn nhìn nhận, khó khăn về kinh tế của TP như một cơn bạo bệnh và tự hỏi toàn thành phố, sở, ngành đã đủ quyết tâm, thực hiện đúng theo phác đồ để chữa trị “cơn bệnh” này chưa?
Bí thư Thành ủy cho rằng, có thể coi 4 quý trong năm như 4 trận đấu vòng loại, trong trận đầu tiên, TP đã thua đậm thì 3 trận còn lại đều phải coi như những trận chung kết để lấy lại những gì đã mất. Đồng thời đề nghị các cơ quan, chuyên gia và nhà khoa học thẳng thắn đưa ra những tồn tại chủ quan để tiếp thu, tháo gỡ, đề ra giải pháp cho những quý còn lại để vực dậy tăng trưởng cho địa phương.
Phát biểu tại cuộc họp, TS Trần Du Lịch (ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia) đánh giá, tình hình quý 1 của TP diễn biến xấu hơn dự báo và có mức giảm sút đáng báo động. Đồng thời nhắc lại quan điểm đã trao đổi từ quý 4 năm ngoái, rằng “nếu tác động kinh tế vĩ mô của thế giới tích cực thì TP HCM khai thác vượt trội yếu tố tích cực, và ngược lại nếu chịu tác động tiêu cực thì TP luôn tiêu cực, xấu hơn người ta”.
Theo TS Trần Du Lịch, có 3 động lực cho phát triển kinh tế, đó là đầu tư công, hấp thụ vốn và thị trường nội địa. Đây là những "liều thuốc" cần phải được áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhằm thu được hiệu quả cao nhất. Ông đề nghị TP HCM tháo gỡ cho vốn vào được nền kinh tế; đồng thời công khai, minh bạch toàn bộ vấn đề. “Khi doanh nghiệp có niềm tin thì chúng ta mới phát triển”, TS Lịch ý kiến.
Đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) cho biết, các doanh nghiệp đang cố cầm cự để đảm bảo hoạt động, cũng còn nhiều hàng tồn kho. Do đó, ông kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại có chính sách thông thoáng về tài chính với việc có chính sách hỗ trợ kịp thời dòng vốn lưu động, chấp nhận cho họ tín chấp bằng vật tư, nguyên liệu.
Ông Hòa cũng đề nghị cần có dòng vốn dài hạn với lãi suất dưới 10%, giải quyết các điều kiện pháp lý để doanh nghiệp có thể thế chấp tài sản, thuê đất; TP đẩy mạnh đầu tư công, xem xét các chương trình kích cầu để giúp doanh nghiệp bắt tay triển khai ngay các dự án...
Trong quý 1/2023, khu vực công nghiệp, dịch vụ của TP HCM giảm 3,6%, đóng góp 20,2% vào cơ cấu GDRP. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ghi nhận tồn kho tăng còn tiêu thụ và lao động giảm.
Ngoại thương tiếp tục gặp khó, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp TP HCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 10,1 tỷ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ 2022. Môi trường kinh doanh còn bất lợi khi cứ 10 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì có 9 doanh nghiệp rút lui.
Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, ước chỉ 952 tỷ đồng, đạt 2,2% tổng vốn được giao, trong khi cùng kỳ giải ngân được 1.604 tỷ đồng.
Dù vậy, GRDP vẫn tăng trưởng dương nhờ vào lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp đi lên. Dịch vụ chiếm 66,1% cơ cấu kinh tế, tăng 2,07%. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm tăng 4,7% so với cùng kỳ nhưng mức tăng rất chậm và có xu hướng giảm.
Tiêu dùng đang chịu áp lực giảm tốc một phần do lạm phát tại TP HCM tiếp tục tăng và cao hơn tốc độ cả nước. Bình quân 3 tháng đầu năm, CPI tăng 4,5% so với cùng kỳ và cao hơn cả nước 0,32 điểm phần trăm.